Mục tiêu của 2 cuộc thi hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội, người học về giáo dục nghề và quảng bá những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng đào tạo tốt. |
Cuộc thi được phát động trong bối cảnh Việt Nam đang có bức tranh chênh lệch lớn giữa đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học và trên đại học.
Mặc dù bức tranh đào tạo nghề 2 năm qua đã có bước chuyển tích cực khi tuyển sinh học nghề đã vượt kế hoạch với 2,2 triệu lao động được đào tạo nghề nhưng con số này rõ ràng chưa tương xứng với 55 triệu lao động của cả nước.
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bức tranh đào tạo nghề đang không tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội. |
Trong khi đó, phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặc biệt lưu ý tới việc các quốc gia phát triển khu vực châu Âu, châu Á, Đông Nam Á đang rất quan tâm đầu tư cho giáo dục nghề.
Tại Úc cứ 4 người dân có 1 người học nghề, Đức có tới 65-70% lao động qua đào tạo nghề. Câu chuyện ở Việt Nam lại hoàn toàn khác, mặc dù Chỉ thị của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu 30% học sinh vào học trường nghề, trung cấp, tối thiểu 40% học cao đẳng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều địa phương vẫn đặt chỉ tiêu phân luồng hướng nghiệp dạy nghề chỉ ở mức 15-20%.
Con số này là trái nhu cầu của xã hội khi báo cáo gần đây cho thấy 1/3 lao động toàn cầu sẽ bị thay thế do tác động của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, big data, robot...và khoảng 6% GDP toàn cầu (tương đương 5.000 tỷ USD) sẽ mất đi nếu các quốc gia không chú trọng phát triển giáo dục nghề.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra khá khó khăn để tuyển lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
"Mục tiêu đặt ra là đến 2025 có 4,4 triệu lao động được đào tạo nghề và năm 2030, con số này sẽ nâng lên là 6,6 triệu lao động. Tuy nhiên, khi nhận thức xã hội về đào tạo nghề chưa được nâng lên thì không ai làm truyền thông tốt hơn các bạn thanh niên qua các kết quả học nghề của chính họ", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Lê Quân đặc biệt nhấn mạnh tới hệ quả của giáo dục định hướng nghề không đúng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về việc làm, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. |
Cụ thể hơn về thực trạng nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lê Quân nhắc tới một con số khá đau lòng nhưng thực tế là chất lượng việc làm hiện nay rất thấp, có khoảng 3/4 công việc có rủi ro cao trong cuộc cách mạng 4.0 trong vòng 5-10 năm nữa khiến công việc của người lao động luôn ở thế bấp bênh, trên 1/2 số lao động làm việc không phù hợp chuyên môn với thực trạng bằng cấp cao nhưng công việc đòi hỏi thấp hơn ví dụ doanh nghiệp tuyển 1 người có trình độ cử nhân nhưng làm việc trình độ cao đẳng và trả lương bậc trung cấp.
"Khi tôi còn giảng dạy, môn học tôi rất quan tâm là kỹ năng lựa chọn và kỹ năng ứng tuyển mặc dù chỉ 15 tiết trên lớp nhưng kỹ năng này cần tập huấn cho sinh viên từ năm thứ nhất bởi thực tế có nhiều sinh viên đến năm thứ 4 vẫn chưa biết ra trường làm gì và khi học chỉ cần học môn đó tốt chứ không biết nên tập trung năng lực gì, kế hoạch học tập gắn với kế hoạch nghề nghiệp ra sao. Điều này cũng xuất phát từ hạn chế của giáo dục khi giáo viên chỉ giảng dạy những gì họ có và không chú trọng trang bị những kỹ năng cần thiết khác cho sinh viên dẫn tới lệch pha giữa nhu cầu của doanh nghiệp và thực tế đào tạo", ông Quân nói.
Ông Quân cũng đưa ví dụ tại Phú Yên, Bình Định, nơi ngân sách thu được hàng ngàn tỷ từ du lịch nhưng ngân sách đào tạo cho nhân lực du lịch lại quá thấp.
"Trong khi đó, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch...đang là những ngành đòi hỏi nhân lực có chất lượng, riêng ngành du lịch và công nghệ mỗi năm số lao động thiếu hụt lên tới 100-200.000 lao động, đó là chưa kể lao động xuất khẩu nếu biết kỹ năng nghề và ngoại ngữ thì những chuyện đau lòng về lao động chui sẽ không còn nữa", ông Quân nhấn mạnh.
Do vậy, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức người học, cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" năm nay sẽ là những bài viết kể về những câu chuyện, suy nghĩ có thật về lựa chọn nghề, lựa chọn giáo dục nghề nghiệp của cá nhân, tình yêu nghề nghiệp, những thành công của các nhân vật, cá nhân khi lựa chọn nghề, giáo dục nghề nghiệp.
Đối tượng tham gia sẽ là học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước. Người đã tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Học sinh các trường THPT, THCS dự định sẽ chọn trường nghề để học. Phụ huynh có con đã, đang và dự định sẽ cho con học trường nghề. Các nhà văn, nhà báo, độc giả quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp ở trong và ngoài nước.
Bài dự thi đạt yêu cầu sẽ được đăng tải trên báo Tuổi trẻ, báo Tuổi trẻ điện tử, trang thông tin xét tuyển giáo dục nghề nghiệp của báo Tuổi trẻ, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Giáo dục và Fanpage của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với thời gian nhận bài dự thi đến hết 29/2/2020.
Trong khi đó, cuộc thi video clip "Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành-vững khởi nghiệp, sáng tương lai" sẽ là các tác phẩm dự thi phản ánh, giới thiệu về cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giới thiệu, mô tả các ngành nghề cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trực tiếp đào tạo.
Đối tượng tham gia là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp –Giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, trường cao đẳng) và các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Sản phẩm dự thi đạt yêu cầu sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trên Fanpage của Tổng cục với thời gian nhận sản phậm dự thi đến hết ngày 29/2/2020.
Được biết, ở mỗi cuộc thi, các tác phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn để trao giải vào tháng 5/2020 với 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.