Đầu tư
Phát huy vai trò Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
TS. Hoàng Hồng Hiệp - 05/02/2023 08:40
Thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vai trò chưa cao trong tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bởi vậy, cần phải tạo đột phá về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ.

Tăng trưởng còn hạn chế

Theo thống kê, mức độ đóng góp trong nền kinh tế cả nước của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng. Năm 2019, quy mô GRDP toàn Vùng chỉ chiếm khoảng 7,17% GDP cả nước.

Bình quân giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế toàn Vùng chỉ đạt 6,63%, xấp xỉ mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước (6,21%). Mật độ kinh tế Vùng vẫn thấp hơn so với mật độ chung của cả nước (15,4 tỷ đồng/km2 so với 18,2 tỷ đồng/km2).

GRDP bình quân đầu người Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2019 đạt 66,7 triệu đồng. Đáng lưu ý, các địa phương nội vùng có sự chênh lệch lớn về GRDP bình quân đầu người. Trong đó, Đà Nẵng có GRDP bình quân đầu người cao nhất với 97,4 triệu đồng; Thừa Thiên Huế và Bình Định là 2 tỉnh có GRDP bình quân đầu người thấp nhất Vùng, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Điều này cho thấy, thu nhập và mức sống của người dân trong Vùng còn thấp, chưa tương xứng với vị trí là vùng kinh tế động lực.

Một điều cũng phải nói tới là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung luôn đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách. Năm 2019, ngân sách toàn vùng thâm hụt 16.400 tỷ đồng; năm 2020 thâm hụt 30.400 tỷ đồng. Thực tế, nếu loại trừ các khoản hỗ trợ ngân sách từ Trung ương (chiếm 13,8% tổng thu ngân sách toàn Vùng vào năm 2021), thì cán cân ngân sách Vùng liên tục thâm hụt với quy mô khá lớn. Các khoản thu nội địa và thuế quan của Vùng không đảm bảo được các khoản chi “cứng” mang tính bắt buộc.

Năm 2019, chỉ duy nhất TP. Đà Nẵng đảm bảo tự cân đối thu chi; riêng 2 năm 2020-2021, cả 5 tỉnh/thành phố nội vùng đều không tự cân đối được thu chi và cần sự hỗ trợ điều tiết lớn từ ngân sách trung ương. Như vậy, năng lực ngân sách tự thân của Vùng còn rất hạn chế. Đây là thực trạng đáng báo động về sự hạn chế của năng lực tài chính nội sinh của Vùng với tư cách là vùng kinh tế động lực. Điều này cũng hàm ý rằng, bản thân Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn chưa tự chủ và tự cân đối ngân sách, mà phải dựa hẳn vào việc cấp bổ sung ngân sách từ Trung ương để đảm bảo chi ngân sách, thì vai trò động lực lôi kéo khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát triển dần trở nên bất khả thi.

Mặc dù Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song vốn FDI vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ít cả về số dự án và quy mô. Lũy kế đến tháng 11/2021, toàn vùng chỉ có 1.383 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 19 tỷ USD, chiếm 4,02% tổng số dự án và 4,68% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Năm 2018, vốn FDI chỉ chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư toàn Vùng.

Lượng vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng, đặc biệt là lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển. Trong bối cảnh năng lực tài chính nội sinh của Vùng còn hạn chế, “ngoại lực” cần được xác định là nguồn vốn ưu tiên và quan trọng để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế của Vùng trong thời gian tới.  

Giải pháp tăng trưởng trong bối cảnh mới 

Để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy vai trò hạt nhân trong tăng trưởng kinh tế khu vực thì trước hết phải hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng.

Theo đó, nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch vùng ban hành phải đủ sớm, mốc thời gian đủ dài để định hướng các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương trong vùng có đủ thời gian xây dựng những kế hoạch phát triển ngành, địa phương, phù hợp và đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch chung về phát triển vùng.

Xây dựng quy hoạch phát triển chung cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần đứng trên cách tiếp cận vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh (cả lợi thế so sánh động và tĩnh) của mỗi địa phương nội vùng trong phát triển kinh tế, cần đặt các yếu tố cấu thành các nền kinh tế địa phương trong mối tương tác và liên kết vùng.

Cần thiết xác định kinh tế biển, kinh tế du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp hóa dầu, sau hóa dầu, công nghiệp phụ trợ ngành hóa dầu, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến thủy sản, là những mũi nhọn đột phá trong định hướng phát triển dài hạn của vùng. Có định hướng phát triển lâu dài các khu đô thị công nghiệp, khu công nghiệp chuyên ngành ở những địa phương phù hợp.

Liên kết vùng cũng cần chú trọng khai thác lợi thế Hành lang kinh tế Đông Tây, đường xuyên Á để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực vận tải, logistics và du lịch. Tái quy hoạch hệ thống các công trình hạ tầng gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, trên cơ sở xem xét, phân tích một cách đầy đủ vai trò của từng công trình đối với sự phát triển Vùng, từ đó xác định những công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư.

Hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển nối liền các trung tâm du lịch nội vùng nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, tạo tiền đề hình thành chuỗi du lịch ven biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hiện đại hóa một số sân bay, cảng biển chiến lược, trọng điểm mang tầm quốc tế - cơ sở thuận tiện cho giao lưu kinh tế trong và ngoài nước. Đẩy nhanh quá trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Bình, sớm triển khai xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định, nhằm tạo tính “nội liên” trong vùng kinh tế trọng điểm cũng như tính liên thông thị trường vùng kinh tế trọng điểm và khu vực miền Trung - cơ sở để phá vỡ tính chia cắt của địa hình khu vực.

Tiếp tục hiện đại hóa một số công trình giao thông nội vùng trọng điểm nhằm tạo tính liên thông mạnh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm du lịch giữa các tỉnh nội vùng. Huy động nguồn lực xây dựng TP. Đà Nẵng hiện đại với sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí. Cần xác định Đà Nẵng và vùng phụ cận phải là trung tâm cung cấp các dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính… cho các nhà đầu tư và đối tác kinh doanh.

Xây dựng cơ chế chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo đó, Trung ương cần mạnh dạn trao cho Vùng cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích mạnh mẽ quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nội vùng.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định. Phân tích đặc điểm cụ thể của từng địa phương nội vùng để tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù nhằm ưu tiên phát triển các ngành khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống công cụ khuyến khích đầu tư, bao gồm công cụ tài chính như miễn giảm thuế, lựa chọn phương pháp khấu hao, trợ vốn, tiếp cận tín dụng giá rẻ... cho một số ngành cần khuyến khích phát triển, hoặc thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ theo hướng xanh, sạch, hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo niềm tin và luôn sát cánh với nhà đầu tư trước, trong và sau hoạt động đầu tư.

Về phương diện điều tiết vĩ mô, cần tập trung xóa bỏ những cản trở ách tắc trong đầu tư hơn là đưa ra các biện pháp khuyến khích đặc biệt. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, các địa phương nội vùng cần loại bỏ tư duy thu hút FDI bằng mọi giá, cần chủ động lựa chọn dự án và đối tác đầu tư, kiên quyết từ chối cấp giấy phép cho dự án không bảo đảm các tiêu chuẩn công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Trung ương và các địa phương nội vùng cần định hướng lại phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát triển nguồn nhân lực bậc cao nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh. Đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo mô hình đại học quốc gia tại miền Trung theo như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể phát triển Đại học Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Vinh theo mô hình đại học vùng nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, thay vì phải loay hoay với bài toán nâng cao chất lượng đại học, các địa phương nội vùng nên tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề.

Tin liên quan
Tin khác