Ngày 9-9, Sở Công Thương TP.HCM cùng Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN ++ với chủ đề: “Kết nối để phát triển bền vững”. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN để cùng chia sẻ về tư duy, tầm nhìn phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Các diễn giả chia sẻ về hợp tác trong phát triển bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp |
Tại diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) chia sẻ, hiện nay, “phát triển bền vững” là từ khóa quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp với mong muốn phát triển vững mạnh và lâu dài.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự phát triển bền vững xuyên suốt trong chuỗi cung ứng. Do vậy, việc kết nối cộng đồng doanh nhân, nâng cao nhận thức, kiến thức để cùng nhau phát triển bền vững là điều rất cần thiết.
Là doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết để phát triển bền vững trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và phải cam kết hành động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội.
Ông Binu Jacob đánh giá, dù người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu về phát triển bền vững nhưng vấn đề là cộng đồng đang nghĩ đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp chứ không phải của chính bản thân người tiêu dùng. Vì thế, theo ông doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng cùng chung tay thực hiện phát triển bền vững.
Đánh giá về tầm quan trọng của phát triển bền vững, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng cho rằng, người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ tại các thị trường phát triển có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp được đánh giá là bền vững. Những nguồn vốn đầu tư cũng được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững tạo ra tác động tích cực cho xã hội.
“Phát triển bền vững đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho hoạt động giao thương quốc tế và kêu gọi đầu tư. Do vậy phát triển bền vững trở thành là yếu tố tối quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình” bà Dung nhấn mạnh.
Về phía chính quyền, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất.
Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Bà Thắng cho biết, TP.HCM đang triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh....
“Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, trước xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, TP.HCM đang tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin.