Thời sự
Phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL
Huy Tự - 07/04/2023 16:48
Sáng 7/4/2023, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Định hướng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
 Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gợi ý các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực để giúp hợp tác xã (HTX) ngày càng phát triển hiệu quả theo hướng bền vững trong xu thế hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần phải thông suốt hai chữ “hợp tác” là bao hàm tinh thần hợp tác, niềm tin trong hợp tác, cần thay đổi cách nhìn, cách tư duy kinh tế tập thể như một thiết chế đơn thuần mà nên nhìn kinh tế tập thể như một cấu trúc thực thụ trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, từ đó có những định hướng, quyết sách quyết liệt, đồng bộ hơn để đầu tư, hỗ trợ và tổ chức điều hành phát triển HTX bền vững trong xu thế mới hiện nay.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến hết năm 2022, vùng ĐBSCL có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. 

Trung bình mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có 194 HTX. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL có từ 100 đến 200 HTX,  tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực là: trồng trọt (lúa, cây ăn quả) có 1.266 HTX, chiếm 52% tổng số HTX nông nghiệp của vùng; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) có 327 HTX, chiếm 13,5 tổng số HTX nông nghiệp của vùng.

Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp là 2.079 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản là 855 triệu đồng. Doanh thu bình quân 1 năm đạt 1,3 tỷ đồng; tổng số thành viên HTX là 183.077 người; trung bình 75 thành viên/HTX nông nghiệp.

Hiện ĐBSCL có 2.083 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, chiếm 82,8% tổng số HTX nông nghiệp cả vùng; có 343 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chiếm 14,1% tổng số cả vùng; có nhiều mô hình điển hình các HTX nông nghiệp thành công trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa trái) tìm hiểu, khảo sát các sản phẩm OCOP chất lượng do các Hợp tác xã tại Hậu Giang sản xuất

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL còn nhỏ lẻ hạn chế về vốn, tài sản; hạn chế về trình độ cán bộ HTX; thiếu cán bộ kỹ thuật...

Do thành viên khó khăn về nguồn vốn nên HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP). Kết quả là tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình GAP và mô hình sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu còn thấp, quy mô ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ. Số mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến; áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất mới được khoảng 13% HTX cả vùng.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: nhìn chung các HTX vùng ĐBSCL còn tồn tại một số điểm yếu chính: năng lực sản xuất, trình độ quản lý, nguồn vốn, quy mô, trang thiết bị, thị trường nhỏ và yếu, hoạt động chưa đa dạng phong phú trên các lĩnh vực kinh tế, liên kết vẫn còn rời rạc. Giải pháp mà tỉnh An Giang đặt ra để phát triển các HTX chính là thí điểm 05 chuỗi ngành hàng có ưu thế của tỉnh, xoay quanh các doanh nghiệp có thương hiệu và tiềm lực là các HTX vệ tinh xoay quanh cùng liên kết hợp tác, dẫn dắt các HTX theo hệ thái HTX và chuỗi giá trị ngành hàng. An Giang hiện có hơn 200 HTX tham gia vào chuỗi ngành hàng sinh thái như trên.

Đồng tình với chia sẻ của ông Thư, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Hữu Thọ thừa nhận liên kết sản xuất và hợp tác trong chuỗi giá trị đang là xu thế tất yếu trong phát triển bền vững của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tập trung vào chuỗi ngành hàng có ưu thế để nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Vì nếu làm ăn riêng lẻ, thiếu liên kết sẽ dẫn đến nhiều hệ luy bất lợi như quy mô, vốn, sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, kể cả hạn chế cơ giới hóa và áp dụng tiến các kỹ thuật canh tác, từ đó phát sinh nhiều chi phí, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy liên kết cần phải mang tính chủ động và đồng bộ ở các khâu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, liên kết thị trường… chính là bước đi lâu dài và hiệu quả của Tập đoàn trong thời gian tới.

Đối với ĐBSCL, trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, cần hỗ trợ hiệu quả HTX nông nghiệp và người dân trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở vùng ĐBSCL; hoàn thiện và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần tư vấn, hỗ trợ các HTX ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX…

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX theo Nghị quyết số 20-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan kết hợp với việc lựa chọn các mô hình HTX điển hình tiên tiến và các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; khuyến khích tham gia vào HTX, liên kết với HTX theo chuỗi giá trị được các daonh nghiệp, HTX và chính quyền ngành chức năng vùng ĐBSCL thống nhất cao.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để vượt qua nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính cạnh tranh của vùng ĐBSCL thì chính quyền, doanh nghiệp và HTX cần thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận trong chỉ đạo, điều hành quản lý và dẫn dắt HTX đi đúng định hướng; phải có cái nhìn đa chiều hơn về hoạt động HTX trong xu thế mới hiện nay, đó là tư duy đặt sự phát triển HTX trong nội hàm cấu trúc chính kinh tế địa phương, HTX không chỉ đơn thuần là chỉ vì kinh tế và phân chia lợi ích, mà còn hướng đến những giá trị cao hơn cho kinh tế nông nghiệp, chuỗi ngành hàng, giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu nông sản vùng ĐBSCL ra thế giới... cùng chung tay phát triển thương hiệu chung cho nông sản vùng ĐBSCL.

Đồng thời cần có cái nhìn toàn diện hơn và có những quyết sách đầu tư, quan tâm đúng mức đến HTX, trọng tâm là lấy người nông dân là chủ thể chính, vì lợi ích và sinh kế của người dân, đồng thời các cơ quan chuyên môn, trường, viện, các cơ quan truyền thông cần chung tay hợp sức để tuyên truyền vận động, lan tỏa gia trị của HTX, phát triển HTX nâng tầm kinh tế hợp tác vì sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp ĐBSCL.

Tin liên quan
Tin khác