Trong lịch sử phát triển năng lượng của Việt Nam, trước năm 2000, tỷ lệ năng lượng tái tạo của Việt Nam trong tổng số nguồn năng lượng là rất lớn do có nguồn khá lớn từ Thủy điện Hòa Bình.
Cùng với đó, Việt Nam đã phát triển các nguồn thủy điện nhỏ, phát triển nhiệt điện than, khí khiến sự phụ thuộc vào nhiệt điện than của chúng ta trở nên rất mạnh. Đến năm 2019, điện năng phát ra từ nguồn nhiện điện than đã chiếm tới hơn 60%
Từ năm 2018 đến nay, chúng ta cũng đã có những bước phát triển về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện mặt trời và năng lượng gió. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước lắp đặt được công suất năng lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới.
Phát triển điện tái tạo trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam |
Tuy nhiên, trong những năm qua vẫn còn một số khó khăn tồn tại khi tích hợp nguồn năng lượng điện mặt trời và điện gió vào hệ thống điện của Việt Nam. Bởi, điện mặt trời và điện gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên sản lượng điện thường rất bấp bênh, không cố định.
Theo TS. Nguyễn Xuân Quang, Khoa Năng lượng nhiệt, Trường Cơ khí, đại học Bách khoa Hà Nội – Khách mời của chương trình trong số phát sóng này, cho biết: chúng ta có thể phát triển nguồn năng lượng tái tạo như sau:
1. Để phát triển nguồn năng lượng điện tái tạo một cách bền vững, ổn định thì phải tìm ra nhiều công nghệ khác nhau, cần có những nguồn năng lượng có sẵn để bổ sung vào nguồn năng lượng thiếu hụt khi yếu tố thời tiết không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
2. Nước ta cần có hệ thống lưu trữ điện tốt hơn, bằng cách có thể xây dựng thêm thủy điện tích năng, đồng thời cũng có thể trang bị thêm những hệ thống lưu trữ năng lượng lớn bằng pin để có thể phát ngược lại khi không có mặt trời hay gió
3. Ngoài ra, chúng ta cần phát triển những hệ thống điện phân tán, hệ thống điện thông minh để có thể sử dụng được những nguồn phát mang tính chất nhỏ lẻ từ năng lượng tái tạo, bởi đặc tính của năng lượng tái tạo là các nguồn phát rất nhỏ lẻ
4. Đồng thời, cần có những đường truyền tải phù hợp để có thể truyền tải điện tái tạo tới nhiều khu vực khi có sự thiếu hụt.
TS. Nguyễn Xuân Quang, Khoa Năng lượng nhiệt, Trường Cơ khí, đại học Bách khoa Hà Nội là khách mời của chương trình Năng lượng và cuộc sống |
Khi nhắc tới vấn đề nên đầu tư cho doanh nghiệp trong nước để có thể phát triển công nghệ hỗ trợ hay nên mua công nghệ từ nước ngoài, TS. Quang cho rằng chúng ta cần phải tận dụng cả hai phương thức, bởi khi phát triển công nghệ tái tạo, cần có rất nhiều công nghệ hỗ trợ, từ những công nghệ liên quan tới hệ thống biến tần, hệ thống chuyển đổi về dòng điện từ một chiều sang xoay chiều, hay biến đổi tần số sang tần số lưới.
Ngoài ra, chúng ta cần phải có sự đầu tư, sản xuất những tấm pin năng lượng mặt trời, những hệ thống khung, những hệ thống lắp đặt kính, để từ đó có nguyên liệu cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, đồng thời những công nghệ liên quan đến lắp đặt các tua bin gió hay mua thiết bị siêu trường siêu trọng từ nước ngoài để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần phải tìm cách để tự chủ lớn hơn bởi đây là một quá trình dài và thị trường Việt Nam là thị trường lớn, có khả năng đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất thiết bị để lắp đặt năng lượng tái tạo như mặt trời hay gió, có thể đem lại lợi nhuận cho những doanh nghiệp lắp đặt, những doanh nghiệp liên quan đến vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đối với năng lượng tái tạo.
Tính đến nay, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vẫn là một chủ để thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và các doanh nghiệp, nhưng nước ta vẫn chưa thật sự áp dụng được triệt để, vì vậy cần phải nhanh chóng cải thiện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
“Năng lượng và Cuộc sống” phát sóng lúc 17h30 chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).