Tuy nhiên, sau khi góp phần giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 1.150 điểm cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chịu áp lực chốt lời khá mạnh trong phiên hôm nay khiến 7/8 mã niêm yết trên HOSE quay đầu giảm giá, chỉ duy nhất HDB giữ được sắc xanh. Đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến hãm đà tăng của VN-Index.

Trong khi đó, dòng tiền đã chuyển hướng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, giúp nhóm này có phiên khởi sắc, góp phần giúp VN-Index tiếp tục tăng điểm trong phiên hôm cũng là phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, việc nhóm ngân hàng điều chỉnh khiến VN-Index không thể giữ được mốc 1.160 điểm.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index tăng 9,03 điểm (+0,79%), lên 1.159,22 điểm với 129 mã tăng và 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 272 triệu đơn vị, giá trị 7.560 tỷ đồng, giảm 11,86% về khối lượng và 29,7% về giá trị so với phiên cuối tuần qua (phiên cuối tuần qua thanh khoản tăng mạnh là do 2 quỹ ETF chốt danh mục). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,49 triệu đơn vị, giá trị 1.503,74 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 19/3

Như đã đề cập, áp lực chốt lời khiến 7/8 mã ngân hàng niêm yết trên HOSE giảm giá. Trong đó, VCB giảm 0,54%, xuống 74.300 đồng, BID giảm mạnh 2,57%, xuống 41.700 đồng, CTG giảm 1,09%, xuống 36.300 đồng, VPB giảm 1,4%, xuống 63.400 đồng, MBB giảm 0,28%, xuống 35.900 đồng, STB giảm 1,53%, xuống 16.050 đồng và EIB giảm 2%, xuống 14.700 đồng. Trong khi HDB đi ngược xu hướng của nhóm khi tăng 0,89%, lên 45.200 đồng.

Trong đó, trong Top 3 mã có thanh khoản tốt nhất đã không có sự có mặt của nhóm ngân hàng, mà 3 mã STB, CTG và MBB nằm ở các vị trí từ thứ tư tới thứ sáu với khối lượng khớp từ gần 9,9 triệu đơn vị đến hơn 12,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại có phiên khởi sắc khi DXG, ROS, VRC, NVT đóng cửa với sắc tím, lên 38.400 đồng, 136.200 đồng, 20.950 đồng và 5.410 đồng. Cả 4 mã đều có dư mua giá trần, trong đó DXG được khớp 6,65 triệu đơn vị. Ngoài ra, NVL cũng chỉ thiếu chút may mắn cuối phiên để cán mức trần 84.400 đồng khi đóng cửa ở mức 84.300 đồng, tăng 6,84%.

Các mã khác cũng có mức tăng mạnh, nhất là đại gia VIC tăng 4,71%, lên 104.400 đồng, VRE tăng 1,53%, lên 53.000 đồng, DIG tăng 2,18%, lên 28.100 đồng, HDG tăng 1,33%, lên 49.700 đồng, LDG tăng 5,25%, lên 26.050 đồng, HDC tăng 1,75%, lên 14.500 đồng. Sắc xanh cũng xuất hiện tại PDR, FLC, NTL, TDC, DRH, QCG…, trong khi KDH, EVG, NBB, LGL, SCR, HQC… lại đi ngược xu hướng của nhóm.

Trong đó, FLC được khớp 14,61 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và đứng thứ 2 sàn sau HAG. Đóng cửa, FLC tăng 1,33%, lên 6.090 đồng. HAG khớp 15,83 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 5,22%, xuống 6.900 đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 2,3 triệu cổ phiếu.

Tương tự, “người anh em” HNG cũng bị giảm mạnh 4,09%, xuống 8.440 đồng và cũng bị khối ngoại bán ròng, dù mức bán ròng thấp hơn nhiều, chỉ 0,1 triệu đơn vị.  

IDI cũng có thanh khoản tốt hôm nay với gần 13 triệu đơn vị được khớp và cũng đóng cửa giảm 5,06%, xuống 15.000 đồng.

Trong các mã lớn khác có sự phân hóa, trong khi VNM giảm 0,93%, xuống 212.000 đồng, SAB quay đầu giảm 1,53%, xuống 225.000 đồng (mức thấp nhất ngày), thì GAS lại tăng 0,39%, lên 128.500 đồng, PLX tăng 3,98%, lên 86.300 đồng, MSN tăng 2,5%, lên 94.300 đồng và HPG tăng 4,82%, lên 63.100 đồng.

Trên HNX, với áp lực bán mạnh tại SHB, PVI, SHS đôi lúc là VCG, VGC, khiến HNX-Index có thời điểm rung lắc mạnh và lao xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ sự chắc chắn của ACB, VCS và PVS, nên HNX-Index lấy lại đà tăng trong ít phút cuối phiên, vượt qua cả mức đóng cửa của phiên sáng.

Cụ thể, chốt phiên chiều, HNX-Index tăng 1 điểm (+0,75%), lên 134,1 điểm với 87 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,49 triệu đơn vị, giá trị 1.914,23 tỷ đồng, tăng 18,25% về khối lượng và 36,79% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,3 triệu đơn vị, giá trị 486,96 tỷ đồng.

Trong phiên chiều nay, áp lực chốt lời mạnh khiến SHB quay đầu giảm 2,17%, xuống 13.500 đồng với 25,18 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. PVI cũng giảm 1,45%, xuống 40.900 đồng, NTP giảm 1,09%, xuống 63.800 đồng, SHS giảm 2,83%, xuống 24.000 đồng. Còn VGC, VCG may mắn giữ được mức tham chiếu.

Trong khi đó, ACB lại khởi sắc đóng cửa ở mức cao nhất ngày 51.700 đồng, tăng 2,58% với 4,89 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng đóng cửa với mức cao nhất ngày 25.400 đồng, tăng 4,53% với 10,3 triệu đơn vị được khớp. VCS dù hạ nhiệt, nhưng cũng giữ được mức tăng 1,01%, lên 238.900 đồng.

Trong khi đó, UPCoM-Index lại nới rộng đà giảm khi bước vào phiên chiều và chỉ hồi nhẹ cuối phiên để tránh được mức điểm thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (-1,12%), xuống 61,11 điểm với 101 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,4 triệu đơn vị, giá trị 515,57 tỷ đồng, giảm 5,4% về khối lượng, nhưng tăng 15,57% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,53 triệu đơn vị, giá trị 58 tỷ đồng.

Sở dĩ UPCoM-Index giảm mạnh dù số mã tăng chiếm ưu thế là do các mã lớn như BSR, HVN, VIB, VGT, LPB đều giảm, thậm chí ACV cũng quay đầu điều chỉnh trong phiên chiều. May mắn là POW về tham chiếu và OIL tăng nhẹ khi đóng cửa.

Trong phiên hôm nay có 3 mã khớp trên 2 triệu đơn vị là POW (2,65 triệu), BSR (2,11 triệu) và LPB (hơn 2 triệu đơn vị).

Ngoài ra, có thêm 3 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị và HVN (1,69 triệu), TVN (1, 3 triệu) và PXL (1,25 triệu). Trong đó, PXL đóng cửa ở mức trần 3.400 đồng, TVN tăng nhẹ 1,83%, lên 11.000 đồng, còn lại đều giảm.