Giao dịch của phiên chiều đã tích cực hơn phiên sáng khi sắc xanh lan tỏa dần trên bảng điện tử. Đà tăng của 3 mã lớn là VIC, VCB, GAS cũng nới rộng đà tăng, nhưng tất cả đều không thể “chọi” lại với VNM, khiến VN-Index có phiên giảm điểm đầy tiếc nuối.
Trong phiên giao dịch sáng, sự trở lại của một số mã lớn như VIC, VCB, GAS đã giúp thị trường hồi hục dần vào cuối phiên và thiếu chút nữa đã thoát khỏi phiên giảm giá. Với sự tích cực trong trong nửa cuối phiên sáng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tích cực hơn trong phiên chiều và giúp VN-Index lấy lại được mốc 575 điểm đã để mất cuối phiên trước.
Đúng như kỳ vọng, sau ít phút đầu loạng choạng, VN-Index đã đảo chiều tăng điểm khi sắc xanh dần lan tỏa trên bảng điện tử, bắt nguồn từ sự tích cực của một số mã lớn như VCB, GAS, VIC, sau đó là PVD khi giá dầu thô WTI tiếp tục tăng lên sát mức 40 USD/thùng.
Tưởng chừng đà tăng này sẽ được duy trì và VN-Index sẽ lấy lại được mốc 575 điểm đã để mất trong cuối phiên trước. Tuy nhiên, nỗ lực của phần lớn các mã trên sàn HOSE đã trở thành “công cốc” bởi VNM.
Sau khi chạm ngưỡng 140.000 đồng trong phiên thứ Năm tuần trước, VNM đã có dấu hiệu bị bán ra trong phiên cuối tuần qua, nhưng đã cầm cự thành công. Tuy nhiên, bước vào tuần giao dịch mới, trước lực bán khá dứt khoát, VNM đã giảm gần 2,2% trong phiên đầu tuần và là tác nhân chính khiến VN-Index mất điểm cuối phiên.
Trong phiên hôm nay, đà bán giá thấp của VNM vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù lực mua bắt đáy cũng đã có dấu hiệu nhập cuộc. Lực cầu bắt đáy chỉ giúp VNM cầm cự lúc đầu phiên sáng, trước khi quay đầu giảm. Trong phiên chiều, lực cung tiếp tục gia tăng khiến VNM nới rộng đà giảm về mức 132.000 đồng trước khi đóng cửa ở mức 133.000 đồng, giảm 1,48% với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Việc VNM giảm giá, cùng một số mã bluechip khác như KDC, MBB, HPG, FPT, SSI, BID, CTG khiến VN-Index quay đầu và có giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 1,36 điểm (-0,24%), xuống 570,91 điểm với 110 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 132 triệu đơn vị, giá trị 2.116,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 253,9 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 22/3 |
Trong khi đó, với sự hỗ trợ của PVS và AAA, cùng sự tham gia sau đó của PGS, HNX-Index dù rung lắc, nhưng cuối cùng cũng giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên ở mức 80,36 điểm, tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,08%). Trái ngược với sàn HOSE, số mã giảm giá trên HNX lớn hơn số mã tăng giá, dù độ rộng của thị trường cũng khá hẹp (95 mã tăng, trong khi có 103 mã giảm). Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,3 triệu đơn vị, giá trị 556,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,26 triệu đơn vị, giá trị 59,45 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 22/3 |
Trong khi đa số các mã trong nhóm giảm giá, thì VCB lại duy trì đà tăng khá tốt khi chốt phiên ở mức giá cao nhất ngày 43.300 đồng, tăng 0,93%. VIC cũng có được phiên thứ 2 đi ngược xu hướng thị trường khi tăng 0,66%, lên 45.500 đồng.
Trong khi đó, với việc giá dầu thô tăng duy trì đà tăng, GAS cũng giao dịch rất tích cực trong phiên chiều, có lúc lên mức giá cao nhất ngày 46.500 đồng, trước khi chốt phiên ở mức 45.500 đồng, tăng 1,1% với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, PVD cũng có được sắc xanh khi chốt phiên ở mức 26.300 đồng, tăng 0,77% với 1,3 triệu đơn vị đươc khớp.
HNG dù thoát được mức giá sàn, nhưng tiếp tục có phiên giảm mạnh 5,38%, xuống 8.800 đồng với 4,7 triệu đơn vị được khớp. Trong khi HAG chỉ quẩn quanh mốc tham chiếu 8.500 đồng và đây cũng là mức giá đóng cửa của HAG với tổng khớp đạt hơn 3,3 triệu đơn vị.
Các mã thị trường cũng không có nhiều biến động về giá, chỉ giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi. Trong đó, thanh khoản tốt nhất là FLC với 8,33 triệu đơn vị, VHG với hơn 6 triệu đơn vị, DLG gần 5,5 triệu đơn vị, KSA hơn 5 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu có sắc tím của phiên sáng như BGM, LCM, KSH, TIE, TMT vẫn duy trì sắc màu này trong phiên chiều. Ngoài ra, còn có thêm nhiều mã gia nhập nhóm tăng trần trong phiên chiều như KSS, CCL, CAV, PPI…, trong đó CAV tăng mạnh sau thông tin chia cổ tức lớn.
Trên HNX, VIX bất ngờ trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch chiều khi thoát khỏi xu thế lình xình, vọt tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày 8.000 đồng, tăng 5,2% với 3,12 triệu đơn vị được khớp.
Trong nhóm dầu khí, không như GAS và PVD trên HNX, PVS không có đột biến về giá khi chỉ quẩn quanh ngưỡng 16.800 đồng, trong khi các mã khác như PVC, PVB không thể đảo chiều thành công. May mắn có thêm PGS gia nhập nhóm tăng giá, hỗ trợ phần nào cho HNX-Index.
Trong nhóm HNX30, AAA là mã có mức tăng tốt nhất 4,24%, lên mức cao nhất ngày 17.200 đồng với 0,79 triệu đơn vị được khớp.