Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ như vậy tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do TP. Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 21/11/2023.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, phát biểu tham luận về một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô nhận diện 5 điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô hiện nay.
Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.
Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước các chỉ tiêu về nước công nghiệp và nước phát triển.
GS.TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị 5 cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch. Thứ nhất, khuyến khích di dời, cải tạo. Người dân di dời chỗ ở để bảo tồn, chuyển đổi công năng vẫn được giữ quyền tài sản đối với nhà, đất nơi ở cũ; được hỗ trợ nơi ở mới. Các trường đại học, bệnh viện giảm tải cho khu vực nội đô được nhận mặt bằng sạch có hạ tầng tại cơ sở mới, được giữ cơ sở cũ cho các hoạt động khoa học công nghệ cao.
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Thứ hai, khuyến khích đầu tư tư nhân. Đặt hàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông và vận hành. Nhà nước thực hiện di dời giải phóng mặt bằng, đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án TOD cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch. Cho phép tư nhân đầu tư vào khai thác, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử theo phương thức PPP.
Thứ ba, có cơ chế đối với nông nghiệp đô thị. Chính sách đối với sản xuất nông nghiệp đô thị như đối với hoạt động hoạt động trồng cây xanh cảnh quan đô thị. Chính sách sử dụng đất xây dựng các công trình du lịch, dịch vụ tại các mô hình nông nghiệp du lịch. Cơ chế ổn định đầu tư lâu dài cho các mô hình nông nghiệp theo chức năng để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển các mô hình nông nghiệp.
Thứ tư, khuyến khích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính sách thuế, phí, tiền thuê đất và hạ tầng đặc thù đối với các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và trao đổi khoa học công nghệ. Chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với các mô hình sản xuất khoa học công nghệ cao và các cơ sở nghiên cứu chuyên sâu như chính sách đầu tư mạo hiểm. Chính sách đầu tư hạ tầng và vận hành cho Trung tâm sáng tạo và trao đổi khoa học công nghệ.
Thứ năm, khai thác mặt nước, cảnh quan ven sông. Tiêu chí xác định hành lang thoát lũ, đảm dòng chảy và quy chuẩn khia thác sử dụng bãi ven các dòng sông trên địa bàn Thủ đô đảm bảo an toàn, văn minh và hiệu quả. Quy chuẩn đầu tư, phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, vui chơi giả trí, nghỉ dưỡng ven song và các bãi nổi trên sông. Cơ chế khuyến khích di dời và chuyển đổi các khu nhà ở ven song sang kinh doanh dịch vụ…
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Quy hoạch Thủ đô là công việc lớn. Hiện, Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn để cụ thể Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngay từ Nghị quyết 15-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với tư duy rất mới với đánh giá, nhìn nhận, giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác, nhiều đại biểu nêu ý kiến về cạnh tranh quốc tế. Ngay trong mục tiêu của Nghị quyết 15 cũng nêu là phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội phải trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu.
"Hà Nội cũng xác định là phải vươn ra thế giới, tư tưởng này được TP. Hà Nội xác định xuyên suốt”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, TP. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khác nhau, nhiều cuộc tư vấn của chuyên gia ở các góc độ khác nhau. Trước Hội thảo này, Hà Nội đã có cuộc hội thảo với gần 180 trường Đại học trên địa bàn Thủ đô về Quy hoạch Thủ đô và tranh thủ được nhiều ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn hàng đầu.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, tham luận của Hội thảo. Những nội dung tại Hội thảo đã gợi mở hướng tiếp cận những vấn đề cụ thể cần tiếp tục được nghiên cứu.
"Vấn đề quy hoạch Hà Nội không chỉ trong Hội thảo hôm nay mà sẽ được tiến hành song song với quy hoạch này cũng là để cập nhật bổ sung thông tin giúp cho điều chỉnh Quy hoạch chung 1259/QĐ-TTg đã được Thủ tướng phê duyệt để góp thêm thông tin, căn cứ vào xây dựng Luật Thủ đô", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng khẳng định, việc tham gia của các nhà khoa học là rất đáng quý. TP. Hà Nội mong muốn các nhà học hàng đầu cả nước sẽ tiếp tục tham gia đóng góp để Hà Nội có bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại; đảm bảo tính khả thi.