Chia sẻ trong chuyến công tác tại Việt Nam, ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, EU là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam với thương mại song phương lên đến 38 tỷ euro. Trong 4 năm qua, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam có mức tăng trưởng kinh ngạc với 40%. Việt Nam không chỉ là một đối tác đơn thuần mà còn là đối tác đặc biệt, đáng tin cậy, là đối tác mà EC cần để trở thành thành tố quan trọng cho sự ổn định trong khu vực để phát triển.
“Mặc dù kết quả tăng trưởng tốt, nhưng với chúng tôi như vậy là chưa đủ. Hai bên cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để đạt được những mục tiêu như: Chuyển đổi để biến chuyển những thành tựu đã đạt được từ thực thi FDI sang mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính toàn diện và sâu sắc. Đây cũng là mục tiêu của Chủ tịch EC trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2025 tới nhằm nâng cấp quan hệ”, Phó Chủ tịch EC chia sẻ.
Ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) chia sẻ tại chuyến công tác tại Việt Nam. |
Hiện nay Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm môi trường, có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhưng khó kiểm soát, có nguồn lao động tốt nhưng cần đào tào kỹ năng và có nhu cầu lớn về mặt năng lượng… đây là lý do Uỷ ban châu Âu cho rằng, hai phía cần mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
Vì vậy, dù đã có rất nhiều chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam trong chuyển đổi xanh, phòng và chống biến đổi khí hậu, đảm bảo sự đa dạng sinh học không bị biến mất và phòng chống thiên tai… nhưng trong chuyến thăm đến Việt Nam những ngày này, ông Margaritis Schinas rất trông chờ và kỳ vọng vào kết quả của những dự án đang tiếp tục triển khai. Đồng thời, kỳ vọng hai bên sẽ sớm hoàn thiện những Hiệp định liên quan đến chuyển đổi xanh để hỗ trợ Việt Nam trong hành trình chuyển sang nền kinh tế xanh.
Để làm được điều này, theo Phó chủ tịch EC, Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư nước ngoài và hướng tới những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, chuyển đổi số, công nghệ xanh, vận tải, vận chuyển xanh đảm... nhằm bảo được tính bền vững về môi trường.
“Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đó có thể xuất phát từ châu Âu. Ở đây, chúng tôi có chương trình Global Gateway – cổng thông tin toàn cầu nhằm hỗ trợ những nước phát triển cần sự hợp tác công và tư. Đặc biệt, với các vùng nông thôn Việt Nam, dự án Global Gateway hướng đến hỗ trợ tạo công ăn việc làm kết hợp phát triển các dự án xanh như điện, năng lượng”, ông Margaritis Schinas chia sẻ.
Chia sẻ thêm về dự án này, ông Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam cho hay: “Hiện chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cho ra một danh sách các dự án ưu tiên đặc biệt, ví dụ như dự án thu gom nước sạch với mục đích phát triển bền vững, dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời… đang có tiến triển. Tôi hy vọng các dự án như thế này sẽ được hỗ trợ từ chương trình Global Gateway. Do đó, chúng tôi rất khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia trong giai đoạn hiện nay để đạt mục tiêu đề ra.”
Tuy nhiên, Phó chủ tịch EC cho rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật chưa tương thích để đảm bảo rằng đất nước sẽ đạt mục tiêu phi carbon hoá, net zero như những cam kết trên trường quốc tế.
“Ở Việt Nam có rất nhiều luật nhưng các luật không khớp với nhau, cần quá nhiều thời gian để điều chỉnh sao cho tương thích. Chỉ khi nào chúng ta có các khung pháp lý, các bộ luật liên quan đúng đắn thì mới thu hút nhiều nhà đầu tư”, ông Margaritis Schinas nhận định.
Ngoài ra, việc sản xuất năng lượng tại Việt Nam hiện đang là năng lượng rẻ. Năng lượng rẻ thường đi kèm với năng lượng không sạch. Trong khi đó năng lượng chuyển đổi, năng lượng xanh lại khá đắt đỏ. Câu chuyện đặt ra ở đây là làm sao để cân bằng việc vừa duy trì cung ứng nguồn năng lượng rẻ hợp lý vừa chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Đây là khó khăn rất lớn cho Việt Nam.
"Ví dụ tại Trung Quốc, quốc gia này đang quay lại chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch. Đó là lý do tại sao giá điện ở Trung Quốc cao hơn giá điện Việt Nam 30%, còn tại châu Âu thì con số này cao hơn gấp 3 lần… Do đó, Việt Nam cần phải cân nhắc nhiều hơn về định giá năng lượng trong thời gian tới", Phó chủ tịch EC đề xuất.