Tính đến 7h sáng ngày 12/9, toàn tỉnh Hà Nam đã triển khai di dời, sơ tán 1.344/6.587 tổng số hộ cần di dời. Tại các điểm sơ tán đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân. Cùng với đó, di dời gần 97.000 gia súc, gia cầm và 583,68 ha thủy sản bị tràn bờ...
Các địa phương đã huy động đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng xử lý các tình huống theo phương án bảo vệ công trình trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tại Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang. Ảnh HNTV |
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình thị sát tình hình mưa lũ và công tác phòng, chống lũ tại các xã trên địa bàn thị xã Duy Tiên. Ảnh HNTV |
Đến thời điểm này, các biện pháp phòng, chống lụt bão của Hà Nam được triển khai quyết liệt, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đối với hiện tượng rò rỉ nước đục qua cửa van thượng lưu âu thuyền Tắc Giang, ngay sau khi phát hiện, sáng 12/9, đơn vị phụ trách đã thuê thợ lặn, kiểm tra xác định nguyên nhân, tiến hành thả cánh phai phòng khi mực nước sông Hồng lên cao.
Qua kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại Cụm công trình đầu mới cống và âu thuyền Tắc Giang và nghe báo cáo nhanh của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục gia cố các điểm xung yếu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của dân.
Mưa lũ gây ngập lụt một số khu vực ven sông tại Hà Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh HNTV |
Thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ, thực hiện tốt các giải pháp di dời dân đến vùng an toàn, có biện pháp hỗ trợ dân khắc phục hậu quả của mưa lũ, căn cứ tình hình chỉ đạo các nhà trường cho học sinh vùng ngập sâu nghỉ học đến khi nước rút, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và người già.