Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: P.V |
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vào sáng 24/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua.
Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.
Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí-luyện kim và trung tâm logistics lớn.
Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500-3.000 năm; giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn đầy khó khăn 2021-2023 đạt 5,49%; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 70% trong cơ cấu kinh tế; các ngành công nghiệp nền tảng đang là động lực dẫn dắt nền kinh tế Quảng Ngãi. Hệ thống kết cấu hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ; GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.398 USD/người.
Theo Phó thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là bước cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đặt kỳ vọng thực hiện được những khát vọng cháy bỏng, đưa tỉnh Quảng Ngãi phát triển khá của cả nước.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi còn mở ra khát vọng, tạo ra những không gian sáng tạo, quan điểm tư duy mới để phát triển Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, quy hoạch này cũng cần nhìn nhận về những vướng mắc, tồn tại.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi còn phụ thuộc chủ yếu còn tập trung vào một số ngành kinh tế thâm dụng về tài nguyên.
“Quảng Ngãi có nên kỳ vọng mãi vào các trung tâm công nghiệp về hóa dầu hay không, Bởi vì, đến năm 2045, thế giới nói không với phát triển nguyên liệu hóa thạch”, Phó thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng chưa đảm bảo; chưa có điều kiện, môi trường thu hút, giữ chân các sinh viên sau khi hoàn thành các khóa học trong nước và quốc tế.
Thứ hai là tỉnh Quảng Ngãi đối mặt với xung đột, chồng lấn, triệt tiêu lợi thế do cạnh tranh; thiếu cơ chế riêng biệt trong vấn đề liên kết vùng, kết nối vùng.
Thứ ba là Quảng Ngãi chưa khơi thông, phát huy nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của tỉnh, để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng bền vững.
Phó thủ tướng cho rằng, Quảng Ngãi tăng trưởng còn chưa đi với chất lượng. “Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Quảng Ngãi cần thu hút đầu tư FDI cần có chất lượng cao hơn, cần tiến tới làm chủ chuỗi trong sản phẩm hàng hóa đó, đặc biệt là thiết kế nghiên cứu triển khai, sản xuất chế tạo cho đến hệ thống thương mại, tập trung vào chuỗi các giá trị lớn, kinh tế xanh, kinh tế số…”, Phó thủ tướng đề nghị.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng, Quảng Ngãi hoàn toàn tự hào về nguồn tài nguyên lớn về công nghiệp văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên đặc hữu và Quảng Ngãi cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, lịch sử, du lịch… mang tính cạnh tranh.
Phó thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi cần tập trung vào chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Bởi vì, nơi nào hội tụ được những yếu tố này sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến. Quảng Ngãi cần quan tâm đến vấn đề này.