Sau Tết, các cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp bệnh lý liên quan tới rượu, như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan... |
Tăng nhiều bệnh lý không lây nhiễm
Trong những ngày Tết, người dân hình thành nhiều thói quen không tốt như uống ít nước, tiêu thụ quá nhiều thịt, ăn ít rau củ quả, ít vận động, thức khuya... Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, cơ thể có khả năng gặp phải một vài vấn đề như suy chức năng gan do tiêu thụ nhiều rượu, bia; căng thẳng, mất ngủ do ăn uống, sinh hoạt không điều độ hoặc bỏ bữa kèm theo thức khuya hay do sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn; viêm loét dạ dày, tá tràng; hội chứng ruột kích thích, khó tiêu; các bệnh về tim mạch, hô hấp như tăng huyết áp, tăng đường huyết; nhiễm khuẩn đường hô hấp…
Tại một số cơ sở y tế, những ngày vừa qua, các bệnh như rối loạn tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, tim mạch, đột quỵ có dấu hiệu tăng. Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sau Tết, cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý liên quan tới rượu, như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, hoại tử chỏm xương đùi… Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm này còn được gọi là mùa của xuất huyết tiêu hóa, xơ gan… do lạm dụng rượu bia.
Báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trong 7 ngày nghỉ Tết, trên cả nước đã có 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (tăng hơn 30% so với kỳ Tết năm 2022), trong đó có 507 ca phải nhập viện theo dõi điều trị.
Từ ngày 20 đến 26/1/2023, tại các bệnh viện trực thuộc ngành y tế Hà Nội ghi nhận 64 trường hợp tử vong do tuổi cao, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Còn tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), từ mùng 2 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận 300 - 350 ca cấp cứu (tăng gấp 2 lần so với bình thường), chủ yếu là các bệnh như tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường…, trong đó có nhiều ca nặng được chuyển từ tuyến dưới lên.
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), việc sử dụng bia, rượu rất thường gặp trong xã hội, nhất là vào mỗi dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, không nhiều người có đầy đủ kiến thức về tác hại của bia, rượu. Việc lạm dụng rượu, bia gây ra 2 nhóm bệnh lý nguy hiểm, gồm nhóm bệnh cấp tính như loạn thần rượu, hội chứng cai rượu, nguy hiểm nhất là ngộ độc cồn công nghiệp hay methanol; nhóm bệnh lý do dùng rượu kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan và các biến chứng của xơ gan.
Bên cạnh đó, các bệnh lý về da liễu cũng tăng sau kỳ nghỉ Tết. Cụ thể, chỉ trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận gần 3.000 trường hợp đến khám các bệnh lý về da. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, việc thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, chất béo, cộng thêm thay đổi thời tiết là những nguyên nhân khiến bệnh về da bùng phát.
Khám, chữa bệnh kịp thời
Một nguyên nhân khiến nhiều ca bệnh trở nên khó kiểm soát là tâm lý trì hoãn đi khám bệnh với suy nghĩ “kiêng” đầu năm. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức, Cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay, chính vì quan niệm này, nên không ít trường hợp mắc cảm, cúm, sốt, nhưng không đến bệnh viện để khám, chữa kịp thời. Trong khi đó, sốt thường là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý như nhiễm virus, vi khuẩn, bệnh hệ thống hoặc nguy hiểm hơn là ung thư.
“Dấu hiệu nặng của sốt có thể kèm theo như ho, khó thở, viêm phổi; sốt kèm đau ngực có thể viêm cơ tim; sốt kèm đi ngoài, tiểu rắt, tiểu buốt, đau đầu đều là biểu hiện nhiễm trùng của một cơ quan cụ thể. Có những người bị hen, khi bị sốt dễ làm cơn hen nặng hơn, hoặc người bệnh tiểu đường có cơn sốt sẽ làm đường máu rối loạn. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác những biểu hiện ban đầu như sốt, cảm cúm. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh khác nặng hơn. Những trường hợp này cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo.
Lạm dụng kháng sinh, lười đi khám bệnh đang là “căn bệnh trầm kha” mà nhiều người mắc phải hiện nay, đặc biệt trong dịp lễ, Tết hoặc các kỳ nghỉ dài. Bác sĩ Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) lo ngại, không ít gia đình thường chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng… là sử dụng kháng sinh. Tình trạng này kéo dài không có tham vấn của bác sĩ, bệnh không những không khỏi, mà để lâu còn gây hại cho cơ thể.
Các chuyên gia cảnh báo, việc kiêng kỵ ngày Tết không đi khám, chữa bệnh là điều không nên, bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp, không những nguy hiểm đến tính mạng, mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, đặc biệt với căn bệnh đột quỵ. Đáng chú ý, bệnh nhân đột quỵ não thường bỏ qua giờ vàng điều trị (khoảng 3 - 6 giờ sau khi bị đột quỵ) do nhiều nguyên nhân. Đa số bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ nghĩ bị cảm, nên thường đánh gió, tự uống thuốc ở nhà, đến khi bệnh trở nặng mới đi cấp cứu.
Để phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phòng chống các bệnh thường gặp sau Tết, các bác sĩ khuyến cáo, ngay sau kỳ nghỉ Tết, mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý, giúp thúc đẩy quá trình giảm béo, tiêu thụ năng lượng được hấp thụ quá nhiều trong những ngày Tết. Ngoài ra, bảo đảm ngủ đủ 6 - 8 tiếng, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ. Ngủ đủ giấc sẽ giúp con người có tinh thần thoải mái và sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc mới.
TS. Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) khuyến cáo, mỗi người cần thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng tiêu hóa để giúp cơ thể khỏe mạnh. Cụ thể, gan là cơ quan thải độc tự nhiên của cơ thể, do đó, mọi người có thể giúp gan loại bỏ độc tố bằng cách uống đủ nước. Nên uống nước sau khi thức dậy, sau khi hoạt động thể lực và trước khi đi ngủ để cung cấp cho gan quá trình hydrate hóa tốt, duy trì tế bào khỏe mạnh, an toàn.