Công ty TNHH Worldon Việt Nam, Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM đi vào hoạt động từ năm 2015.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra Công ty TNHH Worldon Việt Nam, Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi. |
Tại đây có số người lao động cơ hữu là 13.000 lao động. Do tình hình dịch bệnh, một số khu vực tại TP.HCM thuộc diện phong tỏa, hiện nay Công ty có khoảng 10.000 người đang làm việc.
Đại diện công ty cho biết, công ty có cơ sở vật chất đảm bảo. Cụ thể, bên cạnh các khối nhà sản xuất, công ty đã xây dựng khu ký túc xá (KTX) cho người lao động.
Vị trí khu KTX cách công ty khoảng 1km. Trước đây, tại khu KTX có khoảng 2.000 người lao động. 1 tháng trước, để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, an toàn sản xuất công ty đã tổ chức thêm cho 1.000 lao động đến sinh sống tại KTX.
Công ty đang tiếp tục triển khai vận động thêm người lao động đến KTX thay vì ở trọ tại các khu nhà trọ trong khu dân cư.
Từ đầu mùa dịch đến nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và ngành Y tế TP.HCM, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP.HCM (Hepza), Công ty đã triển khai các biện pháp khai báo y tế, quản lý người lao động, truyền thông và giám sát 5K trong cơ sở sản xuất.
Tại khu vực nhà ăn, công ty đã chia 6 ca ăn, mỗi ca khoảng 1.500 người, trang bị vách ngăn tại các dãy bàn ăn đảm bảo hạn chế tiếp xúc giữa người lao động. Đặc biệt, trong trường hợp có ca bệnh, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở để cách ly F0, F1, F2.
Còn tại Công ty TNHH Thương mại Nhân Hoàng, khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, theo lãnh đạo doanh nghiệp hiện công ty có 700 công nhân và người lao động. Hiện nay, số công nhân và người lao động đang làm việc tại công ty là 600 người.
Khảo sát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại đây Tổ công tác thường trực của Bộ Y tế đã góp ý với ban lãnh đạo công ty về việc bố trí, sắp xếp các tài liệu truyền thông, các vật tư phòng chống dịch (khẩu trang, khử khuẩn, kính chắn giọt bắn), bố trí sắp xếp tại nhà ăn, phòng y tế, phòng cách ly tạm thời.
Ông Trần Việt Hà, Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM cho biết, tại huyện Củ Chi có 4 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp Tây bắc Củ Chi, khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Đông Nam, khu công nghiệp Cơ khí ô tô.
Do đặc thù tại các khu công nghiệp có đông người lao động, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, Ban quản lý các Khu công nghiệp- Khu chế xuất TP.HCM đã và đang tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế và các công ty, doanh nghiệp siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người lao động và đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.
Tại Khu chế xuất Tân Thuận, theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý, hiện tại đây có 250 công ty với khoảng 60.000 người lao động.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất, từ đầu tháng 4/2021, Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận đã thành lập 10 tổ kiểm tra và kiểm tra toàn bộ các công ty trong Khu chế xuất.
Hiện nay các tổ kiểm tra cũng đang tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ an toàn trong các công ty, kịp thời đề nghị các công ty khắc phục những hạn chế.
Từ 0 giờ ngày 9/7 TP.HCM đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.
Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%.
Tỉ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các công tác điều tra truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch sẽ được triển khai triệt để theo hướng đúng trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.
Theo đó, ngành Y tế TP.HCM đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn theo đó việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm; Các đơn vị từ thành phố sẽ tham gia điều phối tổng thể cũng tham gia điều phối khi các đơn vị quận, huyện gặp tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công cũng liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các đơn vị thực hiện xét nghiệm để tiến hành điều chỉnh, điều phối nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ, kết quả xét nghiệm theo quy định.
Song song việc điều phối xét nghiệm, công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian tới cũng có sự thay đổi phù hợp tùy theo mức độ nguy cơ của từng địa bàn.