Hoạt động nằm trong thiết kế của dự án Cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tại hai huyện Đà Bắc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - thuộc Chương trình “Tiến về phía trước”, do Đại sứ quán Ireland tài trợ thực hiện tại Hòa Bình, Hà Giang và Quảng Trị từ năm 2022.
Hơn 30 đơn vị doanh nghiệp, mô hình Kinh tế tập thể (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) và các hộ kinh doanh đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình đã tham gia với gần 100 sản phẩm, mặt hàng trưng bày, giới thiệu.
Các sản phẩm, hàng hóa được trưng bày tại hội chợ gồm: Hoa lan, cây cảnh, Bonsai, trái cây, cây giống các loại, thực phẩm chế biến từ nông sản, thủy hải sản, hàng tiểu thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ...
Các doanh nghiệp thu mua đến khảo sát, lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất có tiềm năng để kết nối giao thương, trao đổi cơ hội hợp tác trở thành nhà cung cấp của các hệ thống bán lẻ trong tương lai.
Các sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm Vietgap và các chứng nhận cho sản phẩm dược liệu, sản phẩm đạt chất lượng trong hoạt động chăn nuôi, sản xuất chế biến của chị em phụ nữ tỉnh Hoà Bình |
Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình chia sẻ, một trong những hoạt động luôn được Hội quan tâm và tập trung hỗ trợ đó là hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm giúp chị em phụ nữ có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất và phát triển sản phẩm phù hợp với địa phương và khả năng cung ứng của đơn vị, gia đình.
Sự kiện kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm này phần nào thúc đẩy sức mạnh của cộng đồng và vai trò làm chủ của người phụ nữ trong việc thực hiện các sáng kiến phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt thúc đẩy các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên diện rộng hơn, hiện ở Việt Nam đang có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững.
Thực tế, tại Việt Nam có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn…
Các doanh nhân nữ cũng gặp hạn chế tiếp cận tài chính, chưa bình đẳng trong tiếp cận thị trường, thiếu kỹ năng và đào tạo. Mặt khác, họ vẫn còn đối mặt với đinh kiến xã hội và phân biệt đối xử.
Ông Nguyễn Đức Thành, Đại diện dự án của CARE Quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ, dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP toàn cầu tới 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trên thế giới ước tính cho thấy phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD - tương đương 2% đến 3% GDP toàn cầu - và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.