Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà giải trình cuối phiên thảo luận. |
Giai đoạn 2021-2030 quy hoạch đất khu công nghiệp tăng 120.100 ha, nếu thực hiện không đạt sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lo ngại này được đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) đặt ra khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), chiều 30/10.
Cho rằng, cần phải xem xét việc phân bổ các loại đất cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, ông Hải nói, về đất cho khu kinh tế ở ven biển hay khu kinh tế ở các cửa khẩu ông hoàn toàn đồng ý. Nhưng việc phân bổ đất để quy hoạch các khu công nghiệp, theo ông, cần phải có rà soát, đánh giá lại tính hợp lý.
Bởi vì giai đoạn 2011-2020 đã quy hoạch trên 191.000 ha, mới thực hiện được trên 90.000 ha, đạt trên 47%. Nhưng quy hoạch đến năm 2030 đang dự kiến là trên 210.000 ha, như vậy tăng trên 120.000 ha. Nếu quy hoạch không đi vào thực tiễn thì gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước khi Quốc hội thảo luận, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra quy hoạch) cũng đã từng nêu rõ, tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 lại đặt chỉ tiêu rất cao. Ủy ban này đề nghị phân tích, làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu và tính khả thi của chỉ tiêu này, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra cũng cần lưu ý bối cảnh giai đoạn tới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh ý kiến cơ quan thẩm tra.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm việc thực hiện một số chỉ tiêu quy hoạch kỳ trước còn đạt thấp, trong đó có đất khu công nghiệp.
Sau đó, gửi báo cáo giải trình đến đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Chính phủ đã phân tích, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện từng chỉ tiêu và phân tích nguyên nhân tồn tại của một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp so với yêu cầu của Quốc hội.
Đối với chỉ tiêu đất khu công nghiệp nguyên nhân đạt thấp (47,45%), chủ yếu là do công tác dự báo nhu cầu trong quy hoạch kỳ trước còn hạn chế. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư của một số khu công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn FDI của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào thời gian cuối của kỳ quy hoạch. Cơ chế thu hút của các khu công nghiệp chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, nên nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp.
Lý do thời gian tới phải tăng diện tích đất khu công nghiệp, theo lãnh đạo Bộ là việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước phải đi trước, bố trí ổn định với tầm nhìn dài hạn, tính tới lâu dài, gắn với phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp, bảo đảm hoạt động của các khu công nghiệp .
Giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận toàn thể, liên quan đến hạn chế trong dự báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì có nghĩa là đang trói lại nguồn lực sử dụng đất đai.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm về lý do hạn chế trong sử dụng đất khu công nghiệp, là vào thời điểm quy hoạch, tiên lượng sẽ có sự phát triển rất cao. Chúng ta dự báo làn sóng đầu tư sẽ có chuyển dịch. Nhưng trên thực tế điều đó chưa xảy ra. Cuối nhiệm kỳ rơi vào khủng hoảng do Covid-19.
Bên cạnh đó, để thu hút phát triển các khu công nghiệp đòi hỏi về mặt hạ tầng giao thông kết nối nhưng có nhiều vùng không có nguồn lực đầu tư công để đáp ứng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Cũng có lý do dự báo chưa chính xác. Trong khu công nghiệp chỉ thu hút FDI, còn doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp.
Phải thấy cơ chế, chính sách ở đây về mặt thu hút đầu tư chưa thuận lợi, chưa tạo môi trường pháp lý tốt để có thể tiếp cận một cách bình đẳng nguồn lực đất đai này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua trong đợt họp trực tiếp của Quốc hội.