Cú huých từ lọc dầu
Đầu quý IV/2013, UBND tỉnh Phú Yên chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô. Đồng thời, chủ đầu tư dự án đã ký kết hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản).
| ||
Phú Yên đang hướng đến một ngành sản xuất nông nghiệp mang lại |
Sự kiện mang tính bước ngoặt đối dự án này diễn ra dưới sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh sự quán các nước Nga, Nhật Bản và các đối tác trong và ngoài nước.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3,18 tỷ USD (tương đương 66.775,8 tỷ đồng) do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ là bệ phóng để thu hút đầu tư về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc. Bên cạnh đó, Dự án sẽ góp phần đáng kể giải quyết công ăn, việc làm cho địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác tại Phú Yên phát triển theo.
Theo ông Trúc, đến thời điểm này, Phú Yên có thể yên tâm vạch ra phương án xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực hậu hóa dầu. Gần đây nhất, đoàn khoa học và doanh nghiệp Belarus đã đến Phú Yên tìm hiểu và xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hàm lượng Kali cao. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho địa phương.
Ông Trúc cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của địa phương vẫn là hạ tầng. Điều này đã tác động đáng kể đến sự phát triển của Phú Yên. Hạn chế này xuất phát từ nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nên không đủ sức đầu tư cho những hạng mục hạ tầng quan trọng, phần lớn là phải xin Trung ương hỗ trợ. Đầu tháng 9/2013, sân bay Tuy Hòa đã khánh thành nhà ga mới, có thể tiếp đón những loại máy bay lớn, nhưng vấn đề đặt ra là ai đi? Lượng khách có đủ để Vietnam Airlines bố trí chuyến bay lớn hay không? Đây là những vấn đề nan giải mà Phú Yên đang gặp phải.
“Tỉnh Phú Yên tin rằng, khi Dự án Lọc dầu Vũng Rô bước vào giai đoạn thi công, số lượng nhân công, chuyên gia đến làm việc tại Phú Yên tăng lên, sẽ là cơ sở để Phú Yên kiến nghị Vietnam Airlines phục vụ loại máy bay lớn và chi phí đi lại sẽ rẻ hơn. Điều này sẽ mở ra cơ hội giao thương, tăng lượng khách du lịch đến Phú Yên”, ông Trúc nói.
Chuyển động tích cực của Dự án Lọc dầu Vũng Rô là thông tin mang lại niềm vui nhiều nhất cho người dân tỉnh Phú Yên nói chung và các hộ dân thuộc xã Hòa Tâm, nơi Dự án đặt nhà máy. Bởi lẽ, người dân Phú Yên có một so sánh đơn giản với người dân Quảng Ngãi. Cuộc sống người dân Quảng Ngãi đã thay đổi tích cực từ khi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cơ hội mưu sinh của họ tăng lên rất nhiều, giúp cải thiện cuộc sống thường ngày và giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho con em họ. Đây có thể là niềm mơ ước đơn giản mà người Phú Yên đang nghĩ đến.
Còn với người dân xã Hòa Tâm, niềm hy vọng của họ không những vậy, mà còn vượt xa rất nhiều. Cuộc sống của họ đã bị chôn chân sau nhiều năm không thể làm gì vì Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm chỉ tồn tại trên giấy. Thời điểm hiện tại, dưới sự hỗ trợ của chủ đầu tư Dự án Lọc dầu Vũng Rô, chính quyền địa phương đang gấp rút thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân để họ về nơi ở mới, an cư lập nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên cũng rất mong chờ ngày Dự án khai cuộc. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn tại Phú Yên chia sẻ, ông đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng một khách sạn 4 sao tại TP. Tuy Hòa cách đây 3 năm. Tuy nhiên, công suất thuê phòng tại khách sạn chỉ dưới 10%. Điều này khiến cho doanh nghiệp liên tục chịu thua lỗ. Mặc dù vậy, doanh nghiệp này vẫn cố gắng bám trụ, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, nhân viên để chờ đợi ngày Phú Yên thay đổi.
“Một năm trở lại đây, Phú Yên trở nên sôi động hơn, lượng khách về Phú Yên công tác tăng lên đáng kể một phần dựa vào chuyển động của Dự án Lọc dầu Vũng Rô, mặt khác các dự án khác như sân bay Tuy Hòa, hầm đường bộ Đèo Cả đang triển khai… Nhờ vậy, các chuyên gia, công nhân đi vào Phú Yên lưu trú nhiều hơn”, chủ doanh nghiệp này nói.
Có thể nói, Dự án Lọc dầu Vũng Rô đã tạo nên cú huých quan trọng, đủ lớn để tạo nên bước ngoặt phát triển cho Phú Yên. Không sớm để khẳng định rằng, chính quyền, người dân và cả cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Phú Yên sẽ có một cái Tết vui vẻ hơn và sẵn sàng chào đón một tương lai tươi sáng ở phía trước.
Khu nông nghiệp công nghệ cao
Không ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư Belarus lặn lội tìm đến tỉnh Phú Yên để khảo sát đầu tư một nhà máy sản xuất phân bón hàm lượng Kali cao. Đối với họ, sản phẩm hậu lọc hóa dầu là một tài nguyên lớn để đầu tư lĩnh vực này. Chưa kể, địa thế của Phú Yên được xem là trung điểm của cả nước, có thể kết nối Bắc, Nam và cả Tây Nguyên một cách dễ dàng.
Quan trọng hơn, dù là một tỉnh duyên hải miền Trung, nhưng Phú Yên được ví như là “vựa lúa” của vùng. Bởi lẽ, Phú Yên sở hữu những cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu và nơi đây có thể phát triển tốt các loại cây công nghiệp khác như mía đường, cây ăn quả.
Triển vọng phát triển nông nghiệp của Phú Yên được khẳng định thông qua Quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) Phú Yên vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2013. Đây có thể xem là bước đi khởi đầu mang tính chiến lược để Phú Yên hướng đến một ngành sản xuất nông nghiệp mang lại chất lượng và hiệu quả cao.
Khu nông nghiệp CNC được hình thành với nòng cốt là các tổ chức khoa học và doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển CNC trong nông nghệp, ứng dụng công nghệ để sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao không chỉ tại tỉnh Phú Yên, mà cho cả vùng Duyên hải miền Trung.
Theo Quyết định này, Khu nông nghiệp CNC được xây dựng tại huyện Phú Hòa, trong giai đoạn 1 được quy hoạch với diện tích 460 ha và trong tương lai sẽ căn cứ vào hiệu quả của Dự án để mở rộng thêm diện tích.
Quyết định này cũng yêu cầu rõ về quy hoạch đối với Khu nông nghiệp CNC Phú Yên là phải dành ít nhất 60% diện tích để xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC.
Bên cạnh đó, Khu nông nghiệp phải ưu tiên dành quỹ đất cho doanh nghiệp để đầu tư các trung tâm, nhà máy CNC phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Hoạt động khoa học và công nghệ tại Khu nông nghiệp CNC sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản, sản xuất chế biến sản phẩm sinh học và thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Khu nông nghiệp còn có nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề, huấn luyện công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý công nghệ nông nghiệp. Đặc biệt, Khu nông nghiệp cũng được cho phép sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, tổ chức hội chợ triễn làm ngành liên quan, thực hiện dịch vụ CNC trong nông nghiệp, dịch vụ vật tư, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp CNC được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các ưu đãi khác theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các quy định hiện hành khác. Nguồn vốn đầu tư khu này được phân bổ từ ngân sách dịa phương và Trung ương. Đồng thời, Khu nông nghiệp CNC cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.
Thủy Hoàng