UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận, lắng nghe ý kiến xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế Phú Yên trong điều kiện mới.
Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có gần 3.900 doanh nghiệp. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Phú Yên đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp, dịch vụ Phú Yên đều giảm mạnh. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, vận tải.
Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty CP Bá Hải, Phú Yên |
Tại hội nghị, đại diện các hội, doanh nghiệp đang kinh doanh và đầu tư tại Phú Yên đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tại Phú Yên. Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh được xếp vào Nhóm I - Nhóm các tỉnh/thành đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Phú Yên hiện chỉ còn trên 200 ca bệnh đang điều trị. Tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn vaccine để tiêm phòng cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê dự báo lần 1, GRDP của tỉnh Phú Yên năm 2021 chỉ tăng khoảng 0,42% so với cùng kỳ. Phú Yên đang quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi kinh tế phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP từ 1 - 1,5%. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 31,7%, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 50,3%, thu hút đầu tư nước ngoài giảm 83,6% so với cùng kỳ.
Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp Phú Yên ngoài vấn đề thị trường là nguồn vốn, lãi ngân hàng và các khoản vay đến hạn. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh có đề xuất Trung ương giảm lãi suất, tái cơ cấu các khoản vay, giảm chi phí đầu vào; tăng sức mua giảm; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng việc phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện mới phụ thuộc vào quá trình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Do đó, bên cạnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, tỉnh cần tiếp tục ưu tiên vắc xin cho người lao động không chỉ ở khu vực sản xuất mà cả khu vực dịch vụ, cấp thẻ xanh cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin để thuận tiện trong việc đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia đã tiêm vắc xin vào làm việc tại tỉnh...
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh Phú Yên, cho rằng cần thiết nhất trong lúc này là việc phủ vắc xin ngừa Covid-19. "Vắc xin không chỉ tiêm công nhân mà tiêm được càng nhiều người dân trong cộng đồng càng tốt. Vì chỉ có khi tiêm vắc xin càng nhiều trong cộng đồng thì mới an tâm sản xuất, kinh doanh" – bà Nga nói.
Trong khi đó, theo ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, công ty gặp khó khi nhà máy đang bảo dưỡng nhưng tàu vận chuyển không hoạt động, nên không có thiết bị thay thế. Tuy nhiên, khó khăn hơn là chuyên gia chưa thể trở lại Phú Yên. "Tôi đề nghị nên tạo điều kiện để chuyên gia và gia đình nhập cảnh, đề nghị cấp phép nhập cảnh khi họ đã tiêm đủ mũi vắc-xin" – ông Subbaiah nói.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn, cơ cấu nợ với thời hạn dài hơn; ngành Thuế tiếp tục gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam...
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động để sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phần mình, các doanh nghiệp cần lập danh sách người lao động chưa tiêm vắc xin để tỉnh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm đầy đủ.
Để tạo thuận lợi cho việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thời gian tới, theo ông Trần Hữu Thế, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người lao động; các sở, ban ngành, địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với những ý kiến liên quan đến việc giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, giảm thuế, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất... tỉnh sẽ tổng hợp và kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ kịp thời.