Các công ty bảo hiểm kỳ vọng, với khoản chốt lời liên quan đến cổ phiếu SAB, PJICO mở ra một năm thuận lợi trong hoạt động đầu tư của ngành bảo hiểm. Ảnh: C.T |
Trái ngọt mang tên Sabeco
PJICO vừa chuyển nhượng cổ phần SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) do PJICO nắm giữ. Số tiền thu về đạt 41 tỷ đồng, ghi nhận khoản lợi nhuận 27 tỷ đồng. Như vậy, so với giá vốn tại thời điểm đầu tư cổ phiếu SAB là 14 tỷ đồng, đây có thể coi là khoản đầu tư siêu lợi nhuận của PJICO, với tỷ suất lợi nhuận lên tới gần 200%.
Với khoản chốt lời trên, thương vụ đầu tư tài chính vào SAB đã được hiện thực hóa khi lợi nhuận từ đầu tư tài chính đem về cho PJICO trong quý I/2017 đã tương đương mức lợi nhuận thông thường trong 1 quý của doanh nghiệp. Do đó, giới kinh doanh dự báo, PJICO có thể sẽ đạt được lợi nhuận trước thuế trong quý I/2017 khoảng 60 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Trước đó, trong năm 2016, theo số liệu chưa kiểm toán, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của PJICO ước đạt 2.480 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 130 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Năm 2017, PJICO đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trên 10% so với năm 2016.
Nói về cổ phiếu SAB của Sabeco, đây cũng có thể coi là cổ phiếu khá có “lộc” trong những ngày đầu năm 2017. Bởi lẽ, khi cổ phiếu này mới niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hồi tháng 12/2016, giá tham chiếu chỉ là 110.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay, SAB đã tăng giá gấp đôi, với mặt bằng trên 220.000 đồng/cổ phiếu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, ông Võ Thanh Hà, trong bài phát biểu tại HOSE cho biết, Sabeco đang quyết tâm tái cơ cấu điều hành quản trị và hoạt động toàn diện để phù hợp với giai đoạn mới.
Về tiềm lực, Sabeco hiện sở hữu chuỗi nhà máy trải dọc đất nước và chiếm tới 40,59% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam, cùng hệ thống 23 nhà máy sản xuất cũng như hệ thống phân phối phủ dọc từ Bắc tới Nam. Tình hình tài chính của Sabeco tương đối lành mạnh, với thanh khoản tài chính dồi dào, hệ số khả năng thanh toán nợ và hệ số khả năng thanh toán nhanh trong 9 tháng năm 2016 lần lượt là 1,8 và 1,5. Lượng tiền mặt và tiền gửi tại thời điểm cuối quý III/2016 cũng khá lớn, với khoảng 10.100 tỷ đồng, chiếm tới 70% tài sản ngắn hạn và 45% tổng tài sản.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Sabeco cũng phải đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ trong tương lai. Trong khi đó, chính sách tiếp thị của Sabeco không cạnh tranh so với các doanh nghiệp bia ngoại và doanh nghiệp này còn đối mặt với rủi ro bị thâu tóm bởi các hãng bia lớn khi Nhà nước thoái vốn.
Bảo hiểm vào mùa đầu tư
Khoản chốt lời của PJICO liên quan đến cổ phiếu SAB có thể chỉ là một phát pháo đầu tiên, mở ra một năm làm ăn thuận lợi trong hoạt động đầu tư của các công ty bảo hiểm. Riêng với PJICO, đại gia này còn đang sở hữu nhiều cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán, hoạt động kinh doanh khả quan và có tiềm năng tăng trưởng cao.
Cụ thể, PJICO hiện sở hữu 3 triệu cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VinaRe), 250.000 cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, 200.000 cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam… Trong đó, một số cổ phiếu do PJICO nắm giữ thời gian qua cũng có chu kỳ tăng giá khá tốt.
Chẳng hạn, cổ phiếu VNR từ đầu năm 2017 đến nay đã tăng vọt, từ mặt bằng hơn 21.000 đồng/cổ phiếu lên trên 25.600 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện tại của VNR, giá trị cổ phiếu VNR mà PJICO nắm giữ quy ra tiền mặt đạt khoảng 76,8 tỷ đồng. Theo kết quả kinh doanh quý IV/2016, VinaRe đạt lợi nhuận sau thuế khá tốt với 66,8 tỷ đồng, tăng tới 44,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hội đồng Quản trị VinaRe cũng vừa quyết định chi trả cổ tức giai đoạn năm 2017 - 2020 với mức tối đa là 55% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Cổ phiếu ACV trong tháng 12/2016 cũng có một mức tăng giá khá mạnh, từ hơn 41.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 12/2016 lên mức khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 12/2016 và tiếp tục bám trụ trên mặt bằng này cho đến nay. Hiện tại, đến ngày 23/1/2017, ACV tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo kế hoạch, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn I đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn II sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn III sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ngoài các khoản đầu tư của PJICO, nhìn rộng ra toàn ngành bảo hiểm, năm 2016 vừa qua và dự báo cả năm 2017 là giai đoạn bận rộn của ngành bảo hiểm trong hoạt động đầu tư. Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2016, toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015, với tỷ lệ khoảng 75% là đầu tư dài hạn.
Trong khi đó, với đà tăng trưởng doanh thu được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2017 và các năm tiếp theo, chắc chắn sẽ có nhiều giao dịch mua bán ồn ào trên sàn chứng khoán do các đại gia bảo hiểm khuấy động.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm dự đoán vẫn đạt mức cao (trên 20%). Trong bảo hiểm phi nhân thọ, mảng nghiệp vụ bán lẻ (xe cơ giới, con người…) tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt. Bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm hàng hoá có thể được hưởng những lợi thế do các quy định mới (về bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm rủi ro thiên tai).
Ngoài ra, tăng trưởng cao của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và các hoạt động kinh tế do Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như các hiệp định đối tác khác mà Việt Nam tham gia cũng sẽ tạo thuận lợi cho ngành bảo hiểm năm 2017.
Sự tăng trưởng mạnh của thị trường bảo hiểm dự báo sẽ đem lại nguồn tiền lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm và nguồn lực này đương nhiên sẽ được các đại gia rót vào các thương vụ đầu tư tài chính. Trong đó, hầu hết các đại gia đều có những kế hoạch riêng cho một mùa đầu tư trong năm mới.
Riêng đại gia số một ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành một quỹ đầu tư mới vào đầu năm 2017 thông qua công ty thành viên là Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund). Vừa qua, Quỹ đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) do Baoviet Fund quản lý đã hoàn thành đợt chào bán lần đầu, với tổng số tiền huy động đạt 85,3 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hơn 170 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Baoviet Fund cho biết, hệ thống phần mềm đặt lệnh trực tuyến dành cho Quỹ BVPF đã được hoàn tất và sẵn sàng phục vụ nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty đã hoàn tất việc xây dựng các quy trình đầu tư, kiểm soát rủi ro chặt chẽ theo chuẩn mực quốc tế để chuẩn bị cho việc vận hành Quỹ BVPF một cách hiệu quả và chuyên nghiệp nhất.
Tính đến cuối tháng 12/2016, tổng tài sản quản lý của Baoviet Fund đạt hơn 37.000 tỷ đồng và là một trong hai công ty quản lý quỹ có tài sản quản lý lớn nhất tại Việt Nam. Quỹ BVPF là quỹ mở thứ ba của Baoviet Fund và là quỹ mở cổ phiếu thứ mười trên thị trường Việt Nam.