Những dự án tiềm năng
UBND TP. Đà Nẵng hồi trung tuần tháng 8 vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất danh mục 7 dự án đề nghị được đầu tư theo mô hình PPP. Trong số này, đáng chú ý có Dự án Cảng Liên Chiểu, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.380 tỷ đồng.
| ||
Cảng Tiên Sa cần sự hỗ trợ của Cảng Liên Chiểu đang được đề xuất đầu tư theo mô hình PPP |
Cảng Liên Chiểu sẽ hỗ trợ cho Cảng Tiên Sa, khi cảng này khai thác hết công suất, do vậy có ý nghĩa lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng. Khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn, thì huy động được vốn tư nhân tham gia Dự án thực sự có ý nghĩa rất lớn. Và mô hình PPP đã được UBND TP. Đà Nẵng tính đến.
Đà Nẵng không phải là địa phương duy nhất trong cả nước mong ngóng các dự án hạ tầng được đầu tư theo mô hình PPP - một hình thức đầu tư được cho là sẽ tạo cú huých cho phát triển các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Theo thông tin từ ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), kiêm Thư ký Ban chỉ đạo của Chính phủ về PPP, thời gian qua, các địa phương đã đề xuất 180 dự án đầu tư theo mô hình PPP, trong đó Bộ KH&ĐT đang xem xét 10 dự án khả thi.
Hiện tại, ngoài 3 dự án đang trong quá trình triển khai lựa chọn nhà đầu tư, trong đó nổi bật là Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận), với tổng mức đầu tư 680 triệu USD, còn có 7 dự án tiềm năng, đang hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu thực hiện đầu tư theo mô hình PPP. Trong số này, có 2 dự án thuộc khu vực miền Trung. Đó là Dự án Hệ thống xe buýt TP. Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư dự kiến 25 triệu USD và Dự án Hệ thống Cấp nước sông Nhùng (tỉnh Quảng Trị) có vốn đầu tư 22 triệu USD.
“Ngoài ra, còn có một số dự án PPP tiềm năng khác, mà các nhà đầu tư có thể quan tâm đầu tư”, ông Tăng nói và cho biết, ở khu vực miền Trung, đáng chú ý có Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Dung Quất (Quảng Ngãi), công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 2 tỷ USD; Dự án cầu Cửa Đại (Quảng Ngãi), dự kiến hoàn thành vào năm 2020, có vốn đầu tư 170 triệu USD.
Các dự án khác, có quy mô nhỏ hơn, bao gồm Nhà máy Xử lý chất thải rắn cho các đô thị phía Nam Quốc lộ 13 tỉnh Bình Phước, vốn đầu tư 3,5 triệu USD; Dự án Xử lý chất thải rắn y tế toàn tỉnh (Bình Định), vốn đầu tư 2,4 triệu USD; Dự án Bãi rác tập trung và Nhà máy Xử lý rác thải Đông Hòa, vốn đầu tư 16 triệu USD…
“Nếu các dự án này được đầu tư xây dựng, thì hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội của Việt Nam sẽ dần được hoàn thiện, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia”, ông Tăng nói.
Tạo động lực cho PPP
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng trên thực tế, chưa có dự án PPP nào được triển khai xây dựng. Ngay cả Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án được lựa chọn thí điểm đầu tư theo mô hình PPP đầu tiên, cho đến nay vẫn đang trong quá trình “chào hàng” cho nhà đầu tư thứ hai, bên cạnh Bitexco đã được lựa chọn.
Cuối tháng 7 vừa qua, lễ giới thiệu và quảng bá Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng đã được tổ chức tại Mumbai (Ấn Độ) và Seoul (Hàn Quốc). Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế khiến nhiều kỳ vọng đối với dự án này được đặt ra.
Tuy nhiên, ngoại trừ Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang có những động thái triển khai khá tích cực sau khi được Chính phủ chấp thuận một cơ chế riêng, vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc đầu tư xây dựng các dự án PPP ở Việt Nam. Thiếu khung khổ pháp lý là một trong những nguyên nhân đầu tiên.
Thực tế, năm 2010, để triển khai thí điểm PPP, Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg liên quan đến vấn đề này. Trước đó, Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT, một dạng của PPP, cũng đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quá trình triển khai cả 2 văn bản pháp luật này đã nảy sinh những bất cập, đặc biệt trong các quy định về bảo lãnh Chính phủ, phần tham gia của Nhà nước…
“Vì thế, chúng tôi quyết định sẽ hợp nhất các quy định tại hai văn bản này, sửa đổi để xây dựng một nghị định riêng về đầu tư theo mô hình PPP. Dự kiến, cuối năm nay, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Tăng nói và cho biết, đây là một bước đi qua trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án PPP - vốn được Chính phủ Việt Nam coi là mô hình đầu tư được ưu tiên lựa chọn.
Đồng tình với đề xuất này, ông Kenichi Yamamoto, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho PPP và lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp. “Khi nhìn thấy một mức lợi nhuận hợp lý, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư theo mô hình PPP”, ông Kenechi nói.
Đây cũng chính là điều mà ông Tăng khẳng định. Theo ông Tăng, cùng với việc sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách cho PPP phát triển, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, lựa chọn các dự án tiềm năng. “Sẽ ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện theo mô hình PPP”, ông Tăng nói.
Nghị quyết 103/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đề cập việc phải khẩn trương khắc phục những bất cập hiện nay trong thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, nâng cao cam kết chuyển đổi ngoại tệ, tăng cường biện pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư theo mô hình PPP.
Đây chính là những vướng mắc cơ bản khiến không chỉ các dự án PPP khó triển khai, mà ngay cả các dự án BOT cũng chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân nước ngoài.
Nguyên Đức