Thời sự
Quá sốt ruột với thu hồi tài sản tham nhũng
Nguyễn Lê - 09/11/2022 08:30
Cơ quan chức năng vẫn loay hoay và đại biểu Quốc hội tiếp tục sốt ruột khi thu hồi tài sản tham nhũng dường như chưa có được biện pháp căn cơ.
Giải pháp căn cơ để thu hồi tài sản tham nhũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ tại kỳ họp này

Đã tiến bộ, nhưng kết quả “chưa cao”

Cả hôm qua và sáng nay (9/11), Quốc hội nghe và thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2022. Qua các báo của Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao cùng quan điểm của cơ quan thẩm tra, phòng chống tham nhũng nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng được nhìn nhận ở nhiều góc độ.

Tại báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2022), Chính phủ cho biết, đã phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong khi số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế giảm 36,68%. “Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công”, Chính phủ khái quát.

Ở báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, Chính phủ nêu: tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609,972 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với 43.593,296 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989,592 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Kết quả này được Chính phủ tự đánh giá là “chưa cao”.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, số vụ việc có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn (mới thi hành xong 15.989,592 tỷ đồng/43.593,296 tỷ đồng trong số có điều kiện thi hành).

Cũng đề cập việc thu hồi tài sản tham nhũng theo chức năng ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, trong báo cáo công tác gửi Quốc hội cho biết, đã thu hồi hơn 9.533 tỷ đồng, thu 50.000 USD, phong tỏa 32.110.71 USD, kê biên 116 bất động sản và 159,565 cổ phần, cổ phiếu, 175 lượng vàng SJC, thu hồi 393.115,3 m2 đất...

Ông Lê Minh Trí cũng điểm danh một số vụ án thu hồi tài sản cao, như vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.

Vụ án Nguyễn Văn Minh và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng công ty đã nộp 452 tỷ đồng khắc phục hậu quả; cơ quan điều tra còn thu giữ 5.000 USD, 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vụ Nguyễn Đức Chung và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã nộp khắc phục hậu quả ở giai đoạn xét xử phúc thẩm số tiền 25 tỷ đồng...

Đáng chú ý, Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục kiến nghị nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi, nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.

Theo ông Lê Minh Trí, việc này vừa bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Vẫn có khoảng trống rất lớn

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong về các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Như nhiều kỳ họp trước, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao vẫn là “điệp khúc” được đại biểu Quốc hội nêu lại với sự sốt ruột. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đồng tình: “Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp”.

Dồn dập nhận các chất vấn về giải pháp khắc phục, ông Phong nêu điểm mới là, tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Điểm mới thứ hai là khi xét xử các vụ án về tham nhũng, nếu các đối tượng tham nhũng nộp lại tiền, thì cũng được xem xét đến yếu tố thời gian thi hành án.

Chưa hài lòng với trả lời này, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nêu rõ, hiện còn đến 40-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Đại biểu nhấn mạnh, đây là con số không nhỏ, vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

“Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên, chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.

Phần trả lời, Tổng Thanh tra “đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật về thu hồi tài sản đang còn bất cập, nhất là về quy định cưỡng chế xử lý sau thanh tra và cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi”.

Cũng chưa yên tâm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhắc lại quan điểm của Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản, thì với các tài sản mà đối tượng tham nhũng nhờ người khác đứng tên, cơ quan chức năng sẽ không “đụng” vào được, dù nguồn gốc tài sản đó là bất minh.

“Viện trưởng Lê Minh Trí cũng hơn một lần nêu quan điểm nên nghiên cứu theo hướng giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, thì sẽ thu hồi được nhiều hơn tài sản do tham nhũng mà có. Tổng Thanh tra có tán thành với quan điểm này không? Nếu có thì có đề xuất giải pháp gì cụ thể không? Nếu không tán thành thì có giải pháp gì tốt hơn không?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề.

“Không phải chỉ bản thân tôi, mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có quan điểm là những gì có thể xử lý được về mặt kinh tế thì xử lý kinh tế và không hình sự hóa, đấy là quan điểm chung”, Tổng Thanh tra hồi âm đại biểu và thông tin thêm, thực tế vừa qua, có nhiều trường hợp ở giữa việc vi phạm hình sự hay kinh tế, thì Thanh tra Chính phủ bàn với các cơ quan liên quan theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trong một thời hạn nhất định.

“Chúng tôi có một số kết luận cho phép đối tượng bị thanh tra có từ 1 năm rưỡi đến 2 năm để xử lý kinh tế, nhưng sau thời hạn cho phép đó, trong kết luận thanh tra nói rõ là nếu không thực hiện, sẽ chuyển cơ quan điều tra. Vừa rồi, chúng tôi xử lý một dự án ở TP.HCM như vậy”, Tổng Thanh tra thông tin.

Vẫn khó kiểm soát tài sản

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, hệ thống quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của Việt Nam chưa đảm bảo để kiểm soát tài sản của tất cả mọi người.

“Ở một số nước, nếu một người có khối tài sản lớn mà không chứng minh được nguồn gốc thì Nhà nước có thể khởi kiện dân sự để thu hồi, còn ở Việt Nam chưa có quy định đó vì nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông Cường nêu một vướng mắc lớn trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập

Tại Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập, phê duyệt định hướng xác minh tài sản thu nhập hằng năm, giao Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Chính phủ coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương.

Phó thủ tướng nêu rõ, theo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đây là một nhiệm vụ mới. Khi xây dựng Đề án, cũng còn một số vướng mắc, nhưng sau khi Ban Bí thư ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan cấp ủy trong hệ thống chính trị, thì việc triển khai Đề án rất thuận lợi.

Tin liên quan
Tin khác