Đầu tư
Quá trình đổi mới đòi hỏi chúng ta sự minh bạch
Nguyên Đức - 01/01/2014 07:57
Bên thềm Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn những trăn trở, suy tư của ông về việc làm sao để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới, trước mắt là năm 2014. Bịt lỗ hổng trong đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Thưa Bộ trưởng, năm bản lề của việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 vừa qua đi. Để nhìn lại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013?

Năm 2013 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt trong việc thực hiện hai nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,42% và kiềm chế lạm phát ở mức 6,04%.

Có thể nói, 10 năm nay, Việt Nam mới có một mức lạm phát thấp như vậy và với kết quả này, kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định. Đây chính là thành công nổi bật nhất, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn kế hoạch đề ra (5,5%), mặc dù vẫn cao hơn năm 2012 (5,25%). Nhưng tôi cho rằng, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài.

Bên cạnh đó, cũng có thể kể về những điểm sáng khác của nền kinh tế, như tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, với trên 132 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh, tăng hơn 54% so với năm trước, đạt trên 21,6 tỷ USD...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh việc nền kinh tế phục hồi chậm, thì kinh tế vĩ mô cũng chưa thực sự vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới. Hàng loạt vấn đề khác của nền kinh tế, như tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, sự suy giảm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản... vẫn là những thách thức lớn của nền kinh tế.

Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn tới việc thực hiện Kế hoạch năm 2014, thưa Bộ trưởng? Đã là năm áp chót của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, vậy thì áp lực hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch này sẽ trở nên nặng nề hơn...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay khi nhiệm kỳ mới bắt đầu đã dự báo rằng, hệ thống doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đó là một trong những lý do khiến việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm không đơn giản. Và tình hình sau đó đúng là như vậy. Năm 2013, dù số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng dần, nhưng vẫn có tới hơn 60.000 doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Điều này cho thấy, nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong xu hướng nền kinh tế đang nhích dần lên, thì năm 2014, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là GDP tăng 5,8% trong năm tới, còn năm 2015 là tăng 6 - 6,2%.

Chính phủ vừa thông qua 9 nhóm giải pháp để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Nếu những giải pháp này, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, được thực hiện quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, thì tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2014? Và đâu là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện kế hoạch này?

Chúng ta sẽ vẫn phải dựa vào vốn và tài nguyên để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%, năm 2015 là 6-6,2%. Và để đạt được mục tiêu này, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đảm bảo được điều này, lạm phát sẽ quay trở lại, lãi suất tăng lên, doanh nghiệp còn khó khăn hơn.

Tiếp đó, phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp có điều kiện, có định hướng tốt, sản phẩm tốt… cần tạo điều kiện để được tiếp cận với vốn lãi suất thấp. Phải có chủ trương chỉ đạo rạch ròi về điều này. Nguồn tiền phải đưa được đến với các doanh nghiệp này để họ đầu tư vào các mặt hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ. Cùng với đó, dành ưu tiên tín dụng vào khu vực sản xuất các mặt hàng truyền thống, các hộ sản xuất nông nghiệp có thị trường tốt.

Song song với đó, phải khai thác tốt hơn nữa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đó là các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực tư nhân của nước ngoài. Nếu khôi phục được tiềm lực, sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ có nguồn lực tốt, góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.

Tuy nhiên, một lần nữa tôi cũng phải nhắc lại rằng, việc Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với ổn định kinh tế hay không phụ thuộc ở chính Việt Nam. Việt Nam có cải cách mạnh mẽ và cải cách đúng vào những lĩnh vực cần cải cách hay không? Nếu không, hai năm tới, cũng không thể có tăng trưởng mạnh. 5 năm sau còn khó khăn hơn nữa.


Vậy theo Bộ trưởng, đâu là sự đổi mới căn bản và quan trọng nhất?

Nếu Việt Nam không đổi mới thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nhưng vấn đề là, đổi mới ở đâu, cái gì, thế nào…? Theo tôi, đổi mới thể chế là một trong những sự đổi mới căn bản và quan trọng nhất. Hiện nay, tôi đang chủ trì cùng các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng lộ trình cho việc đổi mới thể chế của Việt Nam.

Quá trình đổi mới đòi hỏi chúng ta sự minh bạch. Đất nước này cần sự minh bạch, không minh bạch, chúng ta sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Chẳng hạn, hoạt động, tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước phải được công bố công khai, minh bạch, nợ ở đâu, lỗ ra sao, hiệu quả thế nào, để tránh lặp lại các sai lầm Vinashin, Vinalines. Nếu không minh bạch khối doanh nghiệp này, kinh tế nước ta sẽ còn khó khăn.

Chuyện minh bạch vấn đề đầu tư công cũng vậy. Năm nay, tôi rất mừng là sau 7 năm, Luật Đầu tư công đã hoàn thành và được thông qua ở bước đầu. Tại sao chúng ta sử dụng một khoản vốn lớn của Nhà nước để đầu tư, mà lại không có luật điều chỉnh? Nếu không ban hành Luật Đầu tư công thì không thể khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát. Tình trạng này càng kéo dài, nợ công càng lớn.

Minh bạch sẽ tạo dựng được niềm tin. Mà ở vào thời điểm này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần xây dựng niềm tin để vươn tới. Giữ vững niềm tin và tiếp tục cải cách là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác