Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/7 nhân chuyến thăm bốn ngày tới Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Đa dạng hóa, chứ không tách rời kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra đánh giá trên, trước khi kết thúc chuyến thăm bốn ngày và rời Trung Quốc vào ngày 9/7.
Trong buổi họp báo tổ chức ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Yellen cho rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn bất đồng về một số vấn đề, nhưng tin tưởng rằng, chuyến thăm của bà đã có những nỗ lực hơn nữa để đưa mối quan hệ lên "bền vững chắc chắn hơn".
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Yellen diễn ra vào thời điểm Mỹ đang xem xét hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến giành ưu thế công nghệ đang leo thang.
Bà Yellen là thành viên thứ hai trong nội các của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Bắc Kinh trong vài tuần gần đây trong nỗ lực ổn định quan hệ giữa hai cường quốc.
"Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng đáng kể. Những bất đồng đó cần phải được trao đổi một cách rõ ràng và thẳng thắn", Bộ trưởng Yellen nói. "Nhưng Tổng thống [Joe] Biden và tôi không nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc qua lăng kính xung đột quyền lực lớn".
"Chúng tôi tin rằng, thế giới đủ lớn để cả hai nước cùng phát triển. Cả hai quốc gia có nghĩa vụ quản lý mối quan hệ này một cách có trách nhiệm: tìm cách chung sống và chia sẻ sự thịnh vượng toàn cầu", Bộ trưởng Yellen nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết bà đã nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng bất kỳ việc hạn chế nào đối với đầu tư ra nước ngoài của Mỹ sẽ đều "minh bạch" và "có mục tiêu rất hẹp".
Nếu không, các quan chức Trung Quốc có thể nêu lên mối quan ngại của họ và trong một số trường hợp, Mỹ sẽ giải quyết những hậu quả không lường trước được, Bộ trưởng Yellen cho biết.
"Nói chung, tôi tin rằng các cuộc gặp song phương của tôi - kéo dài khoảng 10 giờ trong hai ngày - là một bước tiến trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đưa mối quan hệ Mỹ - Trung lên một nền tảng vững chắc hơn", bà Yellen kết luận.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với kim loại sản xuất chip và các hợp chất của nó - điều mà Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết rằng đã thông báo trước cho Mỹ và châu Âu. Trước đó, vào tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm cắt đứt hoạt động xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc.
Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Yellen khẳng định bà "đã nói rõ rằng Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc" trong các cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), Phó thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) và các quan chức cấp cao khác.
"Có sự khác biệt quan trọng giữa một mặt là tách rời và mặt khác là đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng hoặc thực hiện các hành động an ninh quốc gia có chủ đích", Bộ trưởng Yellen lưu ý.
"Chúng ta biết rằng việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là thảm họa đối với cả hai quốc gia và gây bất ổn cho thế giới", bà Yellen nhấn mạnh. "Và nó gần như không thể thực hiện được".
Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết cuộc họp ngày 8/7 với Bộ trưởng Yellen là "có tính xây dựng", đài CNBC dẫn thông cáo của chính phủ Trung Quốc.
Thông cáo nêu: "Lưu ý rằng việc kéo căng vấn đề an ninh quốc gia không có lợi cho trao đổi kinh tế và thương mại thông thường, phía Trung Quốc bày tỏ lo ngại về các biện pháp trừng phạt và hạn chế do Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc". Ngoài ra, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời tiếp tục duy trì trao đổi và tương tác.
Những thách thức khó giải quyết
Nhiệm vụ đặt ra cho Bộ trưởng Yellen trong chuyến thăm Bắc Kinh là một nhiệm vụ khó khăn. Trong khi bày tỏ lo ngại về "sự gia tăng các hành động cưỡng ép gần đây đối với doanh nghiệp Mỹ", bà Yellen cũng tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ căng thẳng nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đến biến đổi khí hậu.
Đây là những vấn đề mà Bộ trưởng Yellen từng nêu trong một bài phát biểu vào tháng 4 vừa qua, trong đó bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự công bằng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của Mỹ với Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã vạch ra ba ưu tiên kinh tế cho mối quan hệ Mỹ - Trung, gồm: đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia và bảo vệ nhân quyền; thúc đẩy tăng trưởng đôi bên cùng có lợi; và hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và căng thẳng nợ.
"Tôi tin rằng, nếu Trung Quốc hỗ trợ các tổ chức khí hậu đa phương hiện nay như Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) và Quỹ Đầu tư Khí hậu (Climate Investment Funds) cùng với chúng tôi và các chính phủ tài trợ khác, thì chúng ta có thể tác động nhiều hơn đến những gì chúng ta làm hiện nay", bà Yellen cho biết trước cuộc họp tài chính khí hậu vừa diễn ra tại Bắc Kinh.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Yellen là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm ổn định quan hệ Mỹ - Trung sau nhiều tháng căng thẳng leo thang. Nó diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken vào tháng trước.
"Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là thiết lập và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với nhóm quan chức kinh tế mới ở Bắc Kinh. Các cuộc thảo luận của chúng tôi là một phần trong nỗ lực phối hợp rộng hơn nhằm ổn định mối quan hệ, giảm nguy cơ hiểu lầm và thảo luận về các lĩnh vực hợp tác", bà Yellen khẳng định.
Những nỗ lực trên có thể mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 9 và Hội nghị APEC ở San Francisco vào tháng 11 tới. Tháng 11/2022, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ tại Bali, Indonesia.
"Không một chuyến thăm nào có thể giải quyết những thách thức của chúng tôi trong một sớm một chiều", Bộ trưởng Yellen khẳng định, đồng thời hy vọng "chuyến đi này sẽ giúp xây dựng một kênh liên lạc linh hoạt và hiệu quả với nhóm quan chức kinh tế mới của Trung Quốc".