Đồng tình với việc phải quản lý đăng ký kinh doanh với đối tượng này, nhưng ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để cá nhân kinh doanh hiểu và thực hiện.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. |
Khi đưa cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vào đối tượng quản lý kinh doanh thì họ được lợi gì, thưa ông?
Khi đưa vào đối tượng quản lý đăng ký kinh doanh và quản lý thuế, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận tính hợp pháp, được bảo hộ, được hưởng các chính sách hỗ trợ, bảo vệ khi có tranh chấp hoặc rủi ro xảy ra.
Đại dịch Covid-19 và mỗi khi thiên tai, bão lũ xảy ra, như cơn bão Yagi vừa qua, nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, buôn bán truyền thống bị thiệt hại, nhiều người thậm chí mất hết vốn liếng, nhưng Nhà nước và ngành ngân hàng không biết giúp đỡ bằng cách nào, vì họ không đăng ký kinh doanh.
Theo tôi được biết, có cả triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh truyền thống không đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng nộp thuế, vì có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, nhưng cơ quan thuế vẫn đưa vào đối tượng quản lý thuế qua việc cấp đăng ký thuế. Việc quản lý thuế với đối tượng này để nếu họ phát sinh doanh thu vượt ngưỡng thì sẽ thực hiện thu thuế theo quy định, đồng thời để cơ quan thuế có căn cứ, cơ sở thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Thế còn lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước thì sao?
Đưa cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vào đối tượng phải đăng ký kinh doanh để cơ quan nhà nước có thông tin để hỗ trợ, kiểm tra, quản lý, giám sát, tránh để tình trạng không ít người có doanh thu “bán hàng trên mạng” hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng không nộp thuế; khi cơ quan thuế phát hiện họ đều nói là không biết phải nộp thuế. Hơn nữa, việc quản lý đối tượng này còn nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, giảm thiểu tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng quá đát, hàng lậu, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng.
Tóm lại, do chưa bắt buộc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký kinh doanh, nên cơ quan quản lý nhà nước không có đầy đủ số liệu về hoạt động thương mại điện tử, dẫn đến không đánh giá được thực trạng của nền kinh tế, từ đó khó có thể đưa ra hoặc thay đổi các cơ chế, chính sách chính xác nhằm phát triển nền kinh tế, nhất là kinh tế số. Cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hình thức giao dịch, giá cả hàng hóa; không giám sát được tình hình hoạt động, dẫn đến thất thu thuế và khó giải quyết các vụ việc tranh chấp, lừa đảo.
Hỗ trợ, giúp đỡ là cái gì đó rất xa vời với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Thưa ông, cần phải tuyên truyền để cá nhân kinh doanh hiểu về lợi ích thì họ mới tự nguyện đăng ký kinh doanh?
Với công nghệ quản lý như hiện nay, không khó để cơ quan thuế phát hiện ra tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trốn thuế. Hiện tại, các bộ, ngành đã và đang thực hiện kết nối dữ liệu theo Đề án 06 và chuẩn bị kết hợp mã số thuế vào số định danh cá nhân/căn cước công dân, thì việc gian lận thuế càng khó. Nếu không đăng ký kinh doanh, thì cá nhân phải nộp thuế tương đương 7% doanh thu (hiện tại dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế).
Như vậy, nếu cá nhân có doanh thu càng cao, thì càng phải nộp nhiều thuế, kể cả mức khởi điểm chịu thuế nâng lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất của Bộ Tài chính, hay 250 triệu đồng như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Chỉ cần tập trung truyên truyền nội dung này, cá nhân thấy rõ ràng việc đăng ký kinh doanh có lợi hơn rất nhiều, thậm chí những người có doanh thu lớn sẽ thành lập doanh nghiệp tư nhân vì có lợi hơn.
Kinh doanh trên mạng rất đa dạng, trong đó hàng triệu người chỉ buôn bán thời vụ, “lúc nông nhàn”, nếu tất cả phải thực hiện đăng ký kinh doanh và nộp thuế thì quá phiền phức. Ông nghĩ sao về việc này?
Việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế không có gì là phiền phức, mất thời gian, tốn nhiều giấy tờ, vì mọi công việc được thực hiện qua mạng và chỉ cần thực hiện một lần, khi có phát sinh mới phải nộp thuế.
Đúng là có rất nhiều người “bán hàng online” chỉ là làm thêm, làm ngoài giờ, trong đó, rất nhiều “bà mẹ bỉm sữa”, trong thời gian nghỉ sinh con mở bán hàng trên mạng để kiếm thêm thu nhập, khi đi làm trở lại thì thôi không bán hàng nữa. Theo quy định, những người này có thu nhập thường xuyên và có thu nhập khác thì phải tự đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Điều này dẫn tới phiền phức cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Vì vậy, để khuyến khích người dân đăng ký kinh doanh, cần quy định rất đơn giản về nghĩa vụ thuế. Ví dụ, trong năm, họ có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử đến mức nào đó mới phải nộp thuế, không phải thực hiện các thủ tục hành chính thuế và không tính gộp với thu nhập thường xuyên và các khoản thu nhập khác để phải thực hiện quyết toán thuế.