Đó là ý kiến đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình 20201 diễn ra vào chiều 17/1.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong thực tế phát triển, Quảng Bình không có lợi thế và các điều kiện cơ bản (đất đai, khí hậu, thời tiết) để phát triển nông nghiệp truyền thống. Ngoài ra, Quảng Bình xa các trung tâm phát triển lớn, chưa có trung tâm phát triển đúng nghĩa, thiếu hạ tầng kết nối đúng tầm để lan tỏa và dẫn dắt phát triển. Nguồn nhân lực còn hạn chế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với đòi hỏi gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng. Lực lượng doanh nghiệp bản địa nhỏ và yếu…
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Quảng Bình đang có những lợi thế tuyệt đối trong tư duy phát triển kinh tế mới. |
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu tiếp tục phát triển theo cách cũ, khi hoàn cảnh đã thay đổi, Quảng Bình khó bứt phá, khó tạo sự xoay chuyển được. Do vậy, tỉnh cần có một cách tiếp cận phát triển khác, trên cơ sở một tầm nhìn chiến lược mới.
“Đây sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định sức hấp dẫn đầu tư, quyết định khả năng mời gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là “những con đại bàng”, những nhà đầu tư chiến lược đích thực đến với Quảng Bình”, ông Thiên nhìn nhận.
Nhận diện tiềm năng và các lợi thế phát triển hiện đại của Quảng Bình, ông Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, thời đại đã thay đổi cách nhìn về tiềm năng và lợi thế phát triển. Đối với Quảng Bình, nhận định đó đang trở thành một chân lý những gì là bất lợi thế phát triển của Quảng Bình theo mô thức tăng trưởng và phát triển cũ thì giờ đây, có thể trở thành lợi thế phát triển, thậm chí là tuyệt đối, trong mô thức phát triển mới.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quá trình đảo phách tư duy phát triển này đang diễn ra với gia tốc ngày càng cao, mặc dù tầm nhìn chiến lược, mô hình phát triển mới của tỉnh cho đến nay vẫn chưa định hình đầy đủ. Tuy vậy, Quảng Bình có một số lợi thế tuyệt đối, ở tầm cao có thể phát huy.
Cụ thể, một vùng đất cát rộng lớn khô cằn, cộng với nắng và gió đang trở thành nguồn lực quý báu để phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các sân golf và khu du lịch độc đáo.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, những "đặc sản" khắc nghiệt là nắng, gió, cát sẽ là những tài nguyên quan trọng để giúp Quảng Bình có thể phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. |
“Quảng Bình, sẽ rất phù hợp khi liên hệ với kinh nghiệm chuyển đổi thành công của Ninh Thuận trong thời gian qua. Có nhiều lý do để coi Ninh Thuận là mẫu hình phát triển phù hợp để Quảng Bình tham khảo và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn tới”, PGS. TS Trần Đình Thiên góp ý.
Thứ hai, từ những phát hiện mang tính thời đại, Quảng Bình đã chuyển thành “xứ sở của đệ nhất hang động” - với những hang động được xếp hạng đẳng cấp cao nhất thế giới. Đây là lợi thế tuyệt đối với ngành du lịch, xét cả trên phạm vi thế giới.
Thứ ba, Quảng Bình có sông Nhật Lệ chảy song song bờ biển, chia đôi thành phố Đồng Hới làm hai bên. Giống như Đà Nẵng hơn 20 năm trước, và hơn Đà Nẵng ở lợi thế đi sau, lại gần vùng di sản hang động Phong Nha - Kẻ Bàng - Sơn Đoòng, Đồng Hới đang định hình tầm nhìn của một đô thị du lịch đặc sắc hiếm có và đẳng cấp.
“Ở khía cạnh này, cách thức phát triển Đà Nẵng thành một đô thị du lịch biển đáng sống sẽ cung cấp nhiều bài học cho Quảng Bình, cho Đồng Hới. Đồng Hới thực sự rất đặc biệt, rất đẳng cấp. Lợi thế Đồng Hới là đi sau, nếu được phát huy tốt, sẽ giúp Đồng Hới tiến vượt lên. Tiềm năng bất động sản sẽ không hề thua kém bất cứ địa phương nào”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, không dừng lại ở khâu “nhận thức” tiềm năng và lợi thế, thực tế phát triển, những năm gần đây, ý chí, khát vọng phát triển to lớn và quyết tâm hành động mạnh mẽ của lãnh đạo và nhân dân Quảng Bình đã bộc lộ ngày càng rõ nét hơn.
Tuy vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, khát vọng càng cao, thách thức với Quảng Bình càng lớn. Để biến khát vọng phát triển trở thành khả thi, hiện thực, Quảng Bình phải giải quyết thành công ít nhất ba tuyến vấn đề.
Một là, lôi kéo, thu hút và xây dựng và phát triển cho được lực lượng doanh nghiệp Quảng Bình đủ mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về "tâm", về "tầm", tương xứng với nhiệm vụ phát triển đặt ra.
Hai là, hình thành một tuyến liên kết phát triển vùng chặt chẽ và mạnh mẽ, gắn trước hết với trục xuyên suốt là du lịch, với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là những đối tác chủ lực.
Ba là, có được hệ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển phù hợp với sự khác biệt về điều kiện, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đặc thù của Quảng Bình.
“Sự đồng hướng và đồng thuận trong tư duy phát triển và tầm nhìn chiến lược của Quảng Bình với Trung ương là cơ sở để tháo gỡ các khó khăn, và để Quảng Bình phát huy tốt nhất năng lực chủ động sáng cho công cuộc cất cánh và tiến vượt. Không có cơ sở gì để các nhà đầu tư hoài nghi về sự cất cánh - tiến vượt của Quảng Bình khi đưa ra quyết định đầu tư vào mảnh đất này”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.