Điểm nóng
Quảng Bình: Nhà thầu quốc tế đòi chấm dứt hợp đồng thi công dự án ODA
Ngọc Tân - 20/10/2021 13:54
Nhà thầu SUEZ (Đan Mạch) thi công dự án Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị xã Ba Đồn, Quảng Bình vừa có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công dự án.

Dự án chậm tiến độ

Ông Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Ban quản lý dự án ODA Quảng Trạch (đơn vị được giao quản lý dự án) cho biết: “Mới đây, nhà thầu SUEZ có văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do chưa gia hạn được khoản vay cho dự án. Có hai phương án, trước mắt, phải đàm phán lại với SUEZ để họ tiếp tục thực hiện dự án theo điều khoản hợp đồng đã ký, còn không nữa thì phải thay nhà thầu để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhà tài trợ cũng ủng hộ về việc này”.

Trước đó, như Báo Đầu tư đã phản ánh, Dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án lần đầu tại Văn bản số 1079/TTg-QHQT ngày 7/8/2007. Dự án được giao cho UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 360,053 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA Chính phủ Đan Mạch 237,958 tỷ đồng và vốn đối ứng từ các nguồn ngân sách trong nước 122,095 tỷ đồng.

Đến ngày 9/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh nâng lên 396,543 tỷ đồng. Cụ thể, phần vốn đối ứng điều chỉnh tăng lên 132,639 tỷ đồng; phần vốn ODA không hoàn lại bổ sung thêm 25,934 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án được gia hạn đến ngày 31/12/2022. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành để gia hạn thời gian giải ngân đến 31/12/2022 và điều chỉnh Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NORDEA, Đan Mạch cho dự án.

Một hạng mục thuộc Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị xã Ba Đồn.

Về tiến độ triển khai, mặc dù được phê duyệt lần đầu từ năm 2007, nhưng đến năm 2016, dự án mới chính thức được thực hiện. Thời hạn hoàn thành của dự án được xác định theo quyết định phê duyệt lần đầu là ngày 31/12/2020. Đơn vị thực hiện thi công dự án là nhà thầu SUEZ có trụ sở tại Đan Mạch, được lựa chọn thông qua đấu thầu quốc tế theo hiệp định song phương.

Mặc dù mốc hoàn thành được xác định là ngày 31/12/2020, tuy nhiên dự án đã bị chậm tiến độ và nhà thầu SUEZ không hoàn thành đúng hạn. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, khối lượng thực hiện dự án mới chỉ ước đạt 66%, riêng tuyến đường ống chỉ mới đạt 54% khối lượng; khối lượng giải ngân dự án ước đạt 155,723 tỷ đồng.

Theo lý giải của Ban quản lý Dự án ODA Quảng Trạch, do quá trình khảo sát, thiết kế chi tiết của dự án ban đầu có nhiều điểm chưa hợp lý nên trong quá trình thi công buộc phải dừng lại để đợi điều chỉnh thiết kế, dẫn đến mất nhiều thời gian… Dự án được thực hiện trên địa hình nền cát chảy, mỗi năm chỉ có thể thi công được vài tháng do thời tiết không thuận lợi. Đồng thời, dự án có tính đặc thù là được thực hiện tại khu vực dân cư đô thị đông đúc nên dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề liên quan trong quá trình triển khai.

Theo Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch cho biết, kể từ thời điểm tháng 7/2019, nhà thầu SUEZđã chủ động giảm tiến độ triển khai trên công trường, không triển khai tiếp các tuyến nước thải mới theo kế hoạch với lý do chủ đầu tư dự án chưa thể sắp xếp tài chính cho dự án để thanh toán các công việc của hợp đồng, bao gồm, thanh toán khoản phát sinh còn lại 330.000 euro và thanh toán thuế VAT còn nợ nhà thầu 3,3 tỷ đồng.

“Lý do khiến dự án vẫn chưa được giải ngân theo kế hoạch vốn là do nhà thầu giảm tiến độ thi công, nên không đủ khối lượng để thanh toán giai đoạn theo nội dung hợp đồng đã ký kết 2 bên. Cùng với đó, dự án đã hết hạn theo quyết định phê duyệt lần đầu, và phải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư lại nên chưa thể giải ngân theo quy định”, báo cáo Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch lý giải.

Thành lập Tổ công tác giải quyết điều khoản hợp đồng

Cũng theo Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch, trước việc nhà thầu SUEZ có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng, nguy cơ nảy sinh nhiều phức tạp liên quan đến việc tranh chấp tại các điều khoản của Hợp đồng Fidic (giữa chủ đầu tư và nhà thầu SUEZ), do vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng đã giao UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo Ban Quản lý Dự án khẩn trương tham mưu UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình triển khai dự án đến nay

Đồng thời, đề xuất các Bộ làm việc với nhà tài trợ phương án lựa chọn nhà thầu trong đó ưu tiên phương án lựa chọn trong nước thi công các hạng mục còn lại sau khi nhà thầu SUEZ chấm dứt hợp đồng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án; Tham mưu văn bản gửi nhà tài trợ thông báo việc nhà thầu đơn phương chấp dứt hợp đồng, đồng thời đề nghị dàn xếp việc hoà giải giữa 3 bên để thương thảo việc chấm dứt, thanh lý với nhà thầu một cách thân thiện, tránh khiếu kiện xảy ra.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo thành lập Tổ công tác giúp UBND huyện Quảng Trạch, Ban Quản lý dự án trong việc kiểm tra, rà soát, phân tích kỹ các điều khoản trong Hợp đồng Fidic, những điều khoản bất lợi, thuận lợi của chủ đầu tư và nhà thầu Suez, hồ sơ hoàn công các hạng mục thi công, thiết bị, giá trị còn lại ...

Về số tiền còn lại để thanh toán cho nhà thầu SUEZ 8,5 tỷ đồng (bao gồm 5,2 tỷ đồng phần phát sinh đợt 2 và thanh toán VAT còn nợ nhà thầu từ năm 2019 là 3,3 tỷ đồng), Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho dự án từ nguồn đối ứng Ngân sách Trung ương năm 2021 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao vốn dự kiến vào cuối tháng 11/2021) để thanh toán cho nhà thầu.

Tin liên quan
Tin khác