Quảng Nam đang xây dựng Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.
Theo UBND tỉnh, việc đẩy mạnh việc trồng cây Sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế.
Đây được xem là động lực quan trọng khuyến khích người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của mình để phát triển các loại cây dược liệu; đồng thời kêu gọi và thu hút những doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.
Song, thực tế vẫn còn không ít khó khăn như diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác khá lớn, nhưng tiềm năng về nguồn lực để phát triển còn hạn chế; cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành dược liệu tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh, khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược liệu còn ít; chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo GACP - WHO.
Trong khi đó, về chế biến, địa phương chỉ mới ở mức sơ chế ban đầu, chưa có chế biến sâu; sản phẩm có thương hiệu; nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu còn mỏng.
Từ thực tế đặt ra là cần phải có một cơ chế chính sách và nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.
Do vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” là yêu cầu thực tiễn hết sức cần thiết và cấp bách.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành và xây dựng Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam thành trung tâm điểm của cả nước trong chế biến dược liệu, đảm bảo sản xuất và cung ứng thuốc và các sản phẩm từ dược liệu có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý, góp phần thực hiện mục tiêu đưa ngành công nghiệp dược, dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hoá có giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; phát triển Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu có thế mạnh thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2025 - 2035, hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xây dựng hạ tầng Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Khu kinh tế mở Chu Lai với quy mô 50 ha; thu hút, kêu gọi đầu tư để xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dược liệu cung ứng cho ngành y - dược và các ngành khác trong khu vực và trên toàn quốc; hình thành tối thiểu 3 nhà máy sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt). Nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư.
Đồng thời, trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Nam nâng cấp và nâng cao năng lực những đơn vị, cơ sở hiện có để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng từ dược liệu. Nghiên cứu và hoàn thiện được các quy trình công nghệ trong sản xuất giống, canh tác và chế biến các sản phẩm từ dược liệu.
Trong giai đoạn từ 2036 - 2045, tỉnh Quảng Nam nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư. Xây dựng thêm số nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và các sản phẩm khác từ Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác đạt tiêu chuẩn quy định; đưa Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam trở thành một trung tâm điểm cung cấp các sản phẩm từ dược liệu mang thương hiệu quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Đề án được triển khai tại tỉnh Quảng Nam với định hướng mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Đối tượng dược liệu là Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong khu vực, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp dược liệu và liên kết bền vững.
Quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.
Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác.
Đối tượng tham gia chuỗi sản xuất tại vùng nguyên liệu và khu kinh tế mở Chu Lai là các hộ dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp.
Mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm công nghiệp dược liệu là tập hợp các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, nghiên cứu khoa học,… về dược liệu, lấy Sâm Ngọc Linh làm chủ lực bằng cách xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, xây dựng các chương trình, đề án, dự án… và địa điểm để triển khai thực hiện thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai (UBND tỉnh sẽ bố trí diện tích phù hợp với mức độ đầu tư của doanh nghiệp).
Đối với trung tâm này, tỉnh không xây dựng mô hình quản lý riêng mà UBND tỉnh Quảng Nam giao thêm nhiệm vụ cho Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam theo dõi, quản lý và tổ chức thực hiện.
Cũng theo Tờ trình của UBND tỉnh, để phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của tỉnh trong việc phát triển vùng nguyên liệu dược ở quy mô lớn cần phải được xem xét trên nhiều phương diện trong đó tập trung vào 3 lợi thế, gồm tập trung phát triển cây Sâm Ngọc Linh, loài cây trồng ưu tiên và cũng là đặc thù, thế mạnh của tỉnh; bảo tồn, phát triển và khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đất lâm nghiệp; phát triển những vùng trồng dược liệu chuyên canh.
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam dự kiến phát triển vùng nguyên liệu bao gồm Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 89.195 ha tại 3 tiểu vùng sinh thái: Tiểu vùng núi cao gồm các huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang; Tiểu vùng trung du gồm các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước; Tiểu vùng đồng bằng gồm các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình; mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh lân cận với diện tích 50.000 ha, đáp ứng nhu cầu phát triển khu công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. Tổng diện tích dự kiến trồng Sâm Ngọc Linh là 16.580 ha, trong đó 8.400 ha tại tỉnh Quảng Nam và 8.180 ha tại tỉnh Kon Tum.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam cho rằng cần có lộ trình khai thác, phát triển bền vững, đảm bảo tái sinh tự nhiên nguồn dược liệu trên đất lâm nghiệp theo từng giai đoạn, với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đối với các loài đặc hữu, quý hiếm phải kiểm soát theo Thông tư số 16/2022/TT-BYT ngày 30/12/2022 của Bộ Y tế; phát triển một số loài dược liệu ở quy mô lớn, đảm bảo đủ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, như: Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân tím…; đầu tư, xây dựng chuỗi nhà máy chế biến tại khu kinh tế mở Chu Lai và 5 cơ sở thu mua, sơ chế - chế biến nguyên liệu dọc theo trục giao thông chính từ vùng nguyên liệu đến thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đảm bảo cung ứng cho khu công nghiệp dược liệu.
Ngoài ra, để đảm bảo mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh lân cận, tỉnh Quảng Nam cần xây dựng bổ sung 1 - 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu theo quy hoạch vùng nguyên liệu của từng địa phương.