Đầu tư
Quảng Ngãi quyết đeo đuổi siêu dự án của Exxon Mobil
Nguyên Đức - 09/06/2016 14:28
UBND tỉnh Quảng Ngãi lại vừa có văn bản gửi Bộ Công thương để giới thiệu địa điểm quy hoạch xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung. Cụ thể, có 3 địa điểm được Quảng Ngãi giới thiệu, trong đó, địa điểm được tỉnh này kỳ vọng nhiều nhất là khu đất 385 ha, vốn được quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu, kho bể chứa…

Khu đất này tiếp giáp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đồng thời là điểm tiếp bờ gần nhất và lại nằm sát biển, nên thuận lợi cho việc tiếp cận đường ống, cũng như kết nối ống dẫn dầu từ Lọc dầu Dung Quất để cung cấp dầu DO cho Trung tâm Khí điện miền Trung. Đồng thời, vị trí này cũng vừa thuận tiện cho việc kết nối để chế biến sâu và cung cấp một phần nguyên liệu cho Lọc dầu Dung Quất, vừa cung cấp cho các dự án hóa dầu và methanol… Đúng là nhất cử lưỡng tiện.

Trong khi đó, hai vị trí còn lại là khu đất thuộc khu công nghiệp phía Tây Dung Quất và khu đất nằm trên hai xã Bình Phú, Bình Hà của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung, theo kế hoạch, sẽ do Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) triển khai. Dự án đã được phía Exxon Mobile đề xuất từ lâu, sau khi phát hiện khí ở các lô 117, 118, 119 ngoài khơi miền Trung Việt Nam và quyết định đưa vào bờ để khai thác thương mại, phục vụ việc phát điện ở Việt Nam. Đó là khu vực mỏ Cá Voi Xanh mà năm 2013, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, PVN và Exxon Mobil đã ký thỏa thuận khung về việc triển khai Dự án phát triển mỏ này.

Ban đầu, nhiều thông tin cho biết, quy mô của Dự án có thể lên tới 20 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, con số được PVN nhắc tới là khoảng 10 tỷ USD. Con số dù chưa chốt, song dù thế nào thì đây cũng là một dự án “khủng”, với sự tham gia của một trong những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ và là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới.

Những con số từng được nhắc đến trong giai đoạn PVN và Exxon Mobil tìm kiếm địa điểm đầu tư là, họ muốn có một địa điểm rộng khoảng 200 ha, trong đó 100 ha sẽ được đầu tư để xây dựng nhà máy điện công suất 1.500 MW. Giai đoạn II, diện tích sẽ tăng lên 200 ha, phục vụ nhà máy điện công suất 4.000 - 5.000 MW và nhà máy xử lý khí. Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, nhà máy điện khí này sẽ giúp tiêu thụ 6.000 - 8.000 tỷ m3 khí tự nhiên tại mỏ khí ở miền Trung. Khối lượng này tương đương 2/3 dự trữ của Thái Lan và Myanmar.

Quy mô to lớn của dự án khiến không chỉ Quảng Ngãi muốn “vào cuộc”. Quảng Nam, một tỉnh đã từng được Exxon Mobile và PVN đến khảo sát địa điểm cũng đã lên kế hoạch xúc tiến đầu tư dự án này. Tổ công tác Xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy Khí - Điện vào Khu kinh tế mở Chu Lai cũng đã được thành lập từ cách đây 3 năm. Trong khi đó, Quảng Ngãi đã nhiều lần đề xuất các địa điểm thuận lợi cho việc phát triển dự án này.

Lần này, ngoài việc đề xuất 3 địa điểm để xây dựng Dự án, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, nếu được lựa chọn, tỉnh cam kết hỗ trợ tối đa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và áp dụng giá thuê đất ở mức ưu đãi cao nhất, đồng thời đáp ứng hạ tầng đến hàng rào nhà máy và các công trình phụ trợ.

“Khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ lựa chọn làm địa điểm phát triển các dự án công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu. Hệ thống hạ tầng phục vụ công nghiệp nặng và lực lượng sản xuất quy mô lớn tại chỗ là điều kiện rất thuận lợi để phát triển tổ hợp khí điện gắn với tổ hợp lọc hóa dầu để trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, góp phần tăng hiệu quả của dự án và hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung”, ông Trần Ngọc Căng lý giải và một lần nữa đề nghị Bộ Công thương xem xét, trình Chính phủ lựa chọn Dung Quất làm địa điểm quy hoạch xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung.

Tin liên quan
Tin khác