Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh trân trọng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
“Đây chính là sự thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Quảng Ninh”, ông Ký nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh giử lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã luôn đồng hành cùng tỉnh. Ảnh: Thu Lê. |
Điều này cũng đã được khẳng định qua kết quả Đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua các năm. Tại Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2021, Quảng Ninh lần thứ 5 liên tiếp (2017-2021) được vinh danh ở vị trí quán quân, đồng thời cũng là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2013 - 2021) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây cũng là giai đoạn kinh tế tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 10,7% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 9,2%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tại hội nghị, ngoài 59 ý kiến đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh tổng hợp và trả lời bằng văn bản thì vấn đề nổi cộm nhất, đang được rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đó là việc đảm bảo năng lượng cho hoạt động sản xuất.
Đại diện của Jinko Solar Việt Nam nêu vấn đề thiếu điện sản xuất tại Hội nghị. Ảnh: Thu Lê. |
Đơn cử ý kiến của đại diện Jinko Solar Việt Nam thì hiện nhà máy của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Khoai đã đi vào hoạt động, nhưng không đủ điện cung cấp để vận hành sản xuất, gây tổn thất mỗi ngày khoảng 2 triệu USD. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nhiệp với đối tác khi không thực hiện đúng tiến độ đơn hàng.
Với vấn đề này, ông Ký đặc biệt nhấn mạnh phải có cơ chế quan tâm đặc biệt cho doanh nghiệp. “Không thể có chuyện, doanh nghiệp đầu tư gần tỷ USD để xây dựng nhà máy, nhà máy xây xong lại không có đủ điện để vận hành. Chậm nhất đến ngày 15/6 phải giải quyết dứt điểm vấn đề này, đảm bảo cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp hoạt động”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe và giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại Hội nghị. Ảnh: Thu Lê. |
Nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề như: chuyển đổi số, liên thông dữ liệu để giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phục hồi nguồn nhân lực ngành du lịch, sử dụng chất thải của ngành than để làm vật liệu san lấp; quản lý nguồn lực đất đai; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.... đã được doanh nghiệp đưa ra, và đều nhận được sự phản hồi từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Trước đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; công tác điều hành cần tập trung vào các trọng tâm để tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, hấp dẫn; tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội. Và trong quý II/2022, tỉnh sẽ khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Còn trong sáng nay (13/5) tỉnh Quảng Ninh cùng với Hải Phòng đã khỏi công cầu Rừng. Tiếp đó, trong quý IV/2022 khởi công cầu Lại Xuân.
Ưu tiên nguồn lực nhà nước và khai thác tối đa nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Không bao giờ tự chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, "kiên trì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”.
Ông Nguyễn Xuân Ký trao đổi bên lề Hội nghị với doanh nghiệp. Ảnh: Thu Lê. |
Cẩn phải xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn với phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế: Công ty McKinsey và Công ty Nikken Sekkei, Nippon Koei - Nhật Bản).
Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Khai thác tối đa dư địa phát triển, giải phóng tối đa sức sản xuất của các trụ cột kinh tế.