Quảng Ninh đã có những chuyển biến qua từng giai đoạn, từng bước tích lũy, tạo thế và lực cho sự phát triển nhanh và toàn diện trong 10 năm trở lại đây. Và hiện là thời điểm tỉnh đưa ra những quyết sách mới để nâng chất lượng nền kinh tế theo chiều sâu và ngày càng bền vững.
Thành phố du lịch Hạ Long hôm nay ảnh: hùng sơn |
Thế và lực đã có
Nhớ lại thời kỳ khi mới bắt đầu quá trình đổi mới, Quảng Ninh chỉ dám mong có thể nhựa hóa toàn bộ tuyến quốc lộ ra đến Móng Cái, thì giờ đây, tuyến cao tốc nối liền với cao tốc 5B Hải Phòng - Hà Nội, dài gần 200 km tới Móng Cái đã sắp được hoàn thành. Từ chỗ mong kết nối nội tỉnh được thuận lợi, giờ đây, Quảng Ninh đã dễ dàng giao thương quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng biển quốc tế Cái Lân.
Từ thực trạng thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành trung tâm sản xuất điện của miền Bắc. Và mới đây, ngày 2/9/2020, tỉnh đã chính thức đóng điện lưới quốc gia, hoàn thành việc cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và cả hải đảo.
Việc nhựa hóa toàn bộ tuyến quốc lộ, xây cầu, xóa đường tràn đã hoàn thành từ lâu, nhưng không đủ để xóa nút thắt hạ tầng giao thông của tỉnh. Quảng Ninh đã nhận thấy, cách thức “lấy ngân sách địa phương để làm đường trung ương”, “dùng quỹ đất đề đầu tư hạ tầng” là không đủ mạnh để huy động dòng vốn đủ lớn cho mục tiêu này.
“Làm hạ tầng ngốn nguồn vốn rất lớn. Vậy làm sao để nhà đầu tư tin mình mà sẵn sàng bỏ tiền đầu tư hạ tầng cho địa phương? Đó là câu hỏi mà nhiệm kỳ 2011-2016, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy - nay là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tìm được lời giải”, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ.
Phải thay đổi cách thức huy động, quyết liệt với mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, cải thiện hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện nguồn nhân lực, thu hút các nguồn lực đầu tư… Để làm được điều đó, cần phải có quy hoạch tốt với tầm nhìn chiến lược dài hạn. Từ năm 2012, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên xin cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch. Đến năm 2014, 7 quy hoạch chiến lược, làm nền để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư đã được hoàn thành.
Ngay sau đó, Quảng Ninh đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin làm thí điểm hình thức huy động vốn “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và được đồng ý. Với cách làm này, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng lớn, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cầu, đường cao tốc, nhằm thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 123.044 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã rất quyết liệt trong chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”. Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, tổ chức bộ máy được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao.
Nâng chất lượng theo chiều sâu
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tỉnh Quảng Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, thu nội địa đạt trên 154.900 tỷ đồng, tăng 94,02%, chiếm 72,9% tổng thu ngân sách nhà nước.
Với định hướng phát triển kinh tế lấy mũi nhọn là dịch vụ - du lịch, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của miền Bắc, trở thành một điểm đến quốc tế ấn tượng. Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại dương, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... đã góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch của Quảng Ninh.
Song, đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020 đã tác động mạnh đến ngành dịch vụ - du lịch của thế giới, cũng như trong nước và Quảng Ninh. Nhưng Quảng Ninh vẫn không thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ngày 24/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh, Quảng Ninh không chỉ là trung tâm phát triển của vùng Đông Bắc, mà phải là trung tâm phát triển của phía Bắc cả nước; là phên dậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực vững chắc đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.
Gợi mở cho Quảng Ninh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển, tại buổi làm việc đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, nhất là phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn; cần đổi mới chính mình, không chủ quan về những thành quả đã đạt được. Theo đó, nền kinh tế của Quảng Ninh trong giai đoạn 2016-2020 và sau này sẽ tập trung tái cơ cấu lại các ngành kinh tế của tỉnh để nâng chất lượng, gia tăng giá trị.
“Nền kinh tế Quảng Ninh tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Ký nhấn mạnh.
Sự tái cơ cấu của các ngành kinh tế của Quảng Ninh được xác định theo hướng: dịch vụ phải phát triển để ngày càng giữ vai trò chủ đạo, còn du lịch vẫn là mũi nhọn. Ngành du lịch sẽ phải cơ cấu lại thị trường, phân khúc khách, sản phẩm, đặc biệt là phải tính toán lại định hướng phát triển.
“Tranh thủ thời gian này, Quảng Ninh cần chuẩn bị sẵn những hạ tầng mới, tạo ra tài sản mới và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Những dự án như Hạ Long Xanh của Tập đoàn Vingroup hay Vinpearl Safari Hạ Long sẽ tạo ra những tài sản mới của Quảng Ninh”, ông Ký khẳng định.
Đối với công nghiệp, theo ông Ký, vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao trình độ công nghệ; nâng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị gia tăng lớn. Phát triển hợp lý công nghiệp khai khoáng theo quy hoạch, hiện đại hóa công nghệ khai thác, giảm tổn thất tài nguyên đảm bảo khai thác than; tăng cường khai thác hầm lò, kết thúc khai thác than lộ thiên vùng Hòn Gai đúng lộ trình; phát triển điện khí sử dụng nhiên liệu sạch hơn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia gắn với bảo vệ môi trường.
Để làm được điều này, Nghị quyết đầu tiên được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XV, nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành là Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo tinh thần của Nghị quyết, trong giai đoạn này, Quảng Ninh phải đạt được 3 đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng; tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách địa phương; về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số. Còn với nông nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ngoài ra, hướng đi mới cho kinh tế Quảng Ninh trong giai đoạn tới là phát triển kinh tế biển. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế biển cùng với Hải Phòng. Hiện hạ tầng cảng của Quảng Ninh vẫn còn hạn chế, nên tới đây sẽ phải đầu tư các cảng trọng điểm như cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Vạn Ninh. Thay đổi căn bản hạ tầng cảng thì mới thay đổi được năng lực về cảng, dịch vụ cảng biển, tạo nền tảng phát triển kinh tế biển.
Nguồn lực cho những đột phá mới
Trên hành trình đi tới, nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng của Quảng Ninh sẽ rất lớn. Nên theo ông Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ thu nội địa. Triệt để tiết kiệm, cơ cấu lại chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển. Song song với đó, phải huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Quảng Ninh vẫn sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Tập trung nguồn lực hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào năm 2021; đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả; đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây; cầu Cửa Lục 1, 2, 3 và các dự án hạ tầng động lực của TP. Hạ Long.
Đồng thời, phối hợp với TP.Hải Phòng sớm đầu tư xây dựng, hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân. Tiếp tục đề xuất Trung ương đầu tư cao tốc Nội Bài - Hạ Long, nâng cấp Quốc lộ 4B, 279 và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.
Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và tăng tỷ lệ người dùng cũng sẽ là nguồn lực quan trọng. Tăng cường ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính. Hoàn thành quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh.