Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện duy trì 1.070 ha diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 94 ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng được cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi...
Trong đó có nhiều mô hình nổi bật như: Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX Đông Triều, diện tích 150 ha; vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, tổng diện tích 348 ha, sản lượng trên 31.520 tấn; vùng trồng hoa tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên, tổng diện tích 451 ha, sản lượng đạt 131 triệu bông; vùng trồng cây dong riềng tập trung tại Bình Liêu, Tiên Yên, tổng diện tích 250 ha, sản lượng ước đạt 10.875 tấn; vùng trồng chè tập trung tại Đầm Hà, Hải Hà, tổng diện tích 544 ha, sản lượng ước đạt 3.690 tấn.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phố nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, hết quý 1/2024, toàn tỉnh có hơn 300 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, với 212 chủ thể sản xuất gồm 55 doanh nghiệp, 83 HTX, 74 hộ sản xuất.
Năm 2023, tỉnh đã có 401 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng từ 3-5 sao và 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thông qua việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT tử đã tạo điều kiện cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm của mình. Đây cũng là hoạt động giúp cho người tiêu dùng đến nhiều các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh nhiều hơn.
Phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam tại vườn thu hút được đông đảo người tiêu dùng theo dõi. Ảnh: Quảng Ninh Portal. |
Với mục tiêu tăng cường truyền thông quảng bá về quả vải chín sớm Phương Nam, ngày 23/5, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh đã tổ chức 2 phiên livestream giới thiệu về sản phẩm này tại vườn, cũng như kết hợp trong chương trình Tuần hàng Việt Uông Bí 2024. Mỗi phiên livestream kéo dài khoảng 1 tiếng, thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và tương tác. Thông qua cách bán hàng này, quả vải chín sớm Phương Nam đã được tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, đồng thời mở ra cho bà con nông dân vùng vải chín sớm kênh quảng bá, bán hàng mới, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Theo ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) chia sẻ, đối với người nông dân, kênh bán hàng qua TMĐT thực sự là hướng đi rất mới mẻ, nhưng có thể thấy được tiềm năng và thế mạnh của nó. Năm nay, nhờ việc livestream mà quả vải chín sớm Phương Nam được người dân trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ biết đến nhiều hơn. Giá trị kinh tế cũng hiệu quả hơn, mỗi cân vải có thể bán được từ 50.000-60.000 đồng, trong khi bán theo hình thức truyền thống thường là từ 35.000-40.000 đồng/kg.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử, từ đó có những bước phát triển tích cực, mở rộng được thị trường và ngày càng khẳng định thương hiệu.
Là một doanh nghiệp sản xuất trà hoa vàng của huyện Hải Hà, anh Lê Đức Anh, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và XNK Quy Hoa, cho biết: “Trong thời gian đầu, Trà hoa vàng Quy Hoa gần như không có chỗ đứng trên thị trường. Song song với đầu tư, chăm chút từng sản phẩm làm ra, Công ty tận dụng tối đa ưu thế công nghệ, mở nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, thường xuyên chia sẻ về cây trà hoa vàng, quá trình làm trà để tăng độ nhận diện, cũng như bán hàng 24/24h trên các nền tảng thương mại điện tử để tạo thuận tiện nhất cho khách hàng. Từ đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản hồi để cải tiến sản phẩm, để Trà hoa vàng Quy Hoa trở thành một sản phẩm OCOP 5 sao như hiện nay”.
Chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) ghi hình để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Quảng Ninh Portal |
“Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn từ chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như ocopquangninh, tiki… Những đơn đặt hàng cam Vạn Yên không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía Nam, từ những đơn hàng 5-10kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu”, ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), một trong số các hộ dân 4.0 thành công đưa sản phẩm lên sàn TMĐT chia sẻ.
Không thể phủ nhận, sàn TMĐT đang là giải pháp để nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn và nhanh hơn tới người tiêu dùng so với bán hàng truyền thống. Và thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng nhận được những đánh giá công tâm nhất từ phía người tiêu dùng, để từ đó nghiên cứu cải thiện, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tiếp theo, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong 2 năm qua, tỉnh tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2023, sàn thương mại điện tử OCOP tỉnh Quảng Ninh cũng được nâng cấp với nhiều tính năng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Trung tâm đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, khóa tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến để bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh chính đáng cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.