Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc đưa mục tiêu “giữ vững, duy trì các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Có thể thấy, trong suốt những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác cải cách hành chính. Nhằm tiếp nối kết quả đạt được, nâng tầm nhiệm vụ, bám sát tình hình và cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV với chỉ tiêu đề ra “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)”. Đồng thời xác định khâu đột phá là “Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI”.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu. Ảnh: Quỳnh Nga |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cảm ơn người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã có tiếng nói khách quan, đánh giá qua những thước đo là các chỉ số, phản ánh chất lượng CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Với những nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, sự đồng tỉnh, ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi Chỉ số PAR INDEX, SIPAS tiếp tục dẫn đầu toàn quốc, là năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (năm 2018-2020, năm 2022, 2023) và là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023). Tỉnh có 9 năm tăng trưởng GRDP trên 2 con số, phấn đấu năm 2024 sẽ là năm thứ 10. Quy mô nền kinh tế năm 2023 trên 300.000 tỷ đồng, gấp 1,51 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, cao nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu hút đầu tư FDI đến nay đã bằng 3,6 lần so với cả nhiệm kỳ 2015 – 2020”, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và 13 điểm cầu trực tuyến tại các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: Quỳnh Nga |
Năm 2023, chỉ số PAR INDEX đạt được 92,18 điểm, cao hơn giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các tỉnh trong toàn quốc là 5,2% (điểm giá trị trung bình của tỉnh trong trong toàn quốc đạt 86,98%).
Đây là kết quả cao nhất của tỉnh Quảng Ninh đạt được so với 9 năm trở lại đây (năm 2015 đạt 90,23 điểm; năm 2016 đạt 80,66 điểm; năm 2017 đạt 89,45 điểm; năm 2018 đạt 89,06 điểm; năm 2020 đạt 91,04 điểm; năm 2021 đạt 91,14 điểm; năm 2022 đạt 90,10 điểm và năm 2023 đạt 92,18 điểm). Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Phân tích kỹ vào từng tiêu chí thành phần của chỉ số, báo cáo chỉ rõ, năm 2023 thông qua kết quả khảo sát cán bộ công chức, lãnh đạo quản lý tỉnh Quảng Ninh về “Chất lượng văn bản QPPL do tỉnh ban hành” đánh giá, nhận xét còn thấp, chỉ đạt 3,42/4 điểm, tương đương với tỷ lệ là 85,5% (trong đó tiêu chí thành phần “Tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản QPPL do địa phương ban hành” đạt 0, 82/1 điểm; “Tính hợp lý của các văn bản QPPL do địa phương ban hành” đạt 0,85/1 điểm; “Tính khả thi của các văn bản QPPL do địa phương ban hành” đạt 0,83/1 điểm; “Tính kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện văn bản QPPL tại địa phương” đạt 0,89/1 điểm).
Đối với Chỉ số SIPAS, theo kết quả tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 90,61%, cao hơn 7,95% so với mức độ hài lòng trung bình toàn quốc, tăng lên 3,02% so với năm 2022. Trong 9 nhóm tiêu chí để đo lường Chỉ số SIPAS năm 2023, Quảng Ninh tăng điểm so với năm 2022 ở cả 9 tiêu chí. Trong đó, có 4 tiêu chí xếp thứ nhất cả nước; 5 chỉ số còn lại đều xếp hạng thứ 2 và thứ 3 cả nước.
Kết quả tổng hợp chung từ báo cáo SIPAS năm 2023 cho thấy, có 98,56% người dân tham gia trả lời phiếu trả lời không phải đưa tiền ngoài quy định, có 1,12% người dân trả lời có một số người dân phải đưa tiền ngoài quy định và chỉ có 0,32% người dân trả lời có nhiều người dân phải đưa tiền ngoài quy định. Tỷ lệ đánh giá này của tỉnh đều giảm hơn so với năm 2022 và thấp hơn so với tỷ lệ đánh giá trung bình trong toàn quốc.
Đối với Chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, tuy nhiên lại có đến 6/10 chỉ số giảm điểm so với năm trước. Về xếp hạng, tỉnh có 5/10 chỉ số tăng hạng song cũng có 5/10 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 4/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số và 3/10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian dẫn đầu cả nước; chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí không chính thức lần lượt đứng ở vị trí thứ 2/63 và 3/63.
Nhận diện và đánh giá những mặt còn hạn chế qua kết quả khảo sát PCI 2023 cho thấy, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, CCHC là một quá trình thường xuyên, liên tục. Kết quả đánh giá của các cơ quan cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện CCHC của Quảng Ninh. Thực tiễn luôn thay đổi và chúng ta phải đối mặc với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng tạo ra những thời cơ mới. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tốt các nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó cần lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: không ngừng nghiên cứu, mạnh dạn thí điểm những mô hình, các làm mới, tạo đột phá hơn; đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ cơ bản những điểm ghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số;…
Tại hội nghị, các chuyên gia của VCCI, Bộ Nội vụ, các đại biểu đều khẳng định những kết quả đạt được trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu. Ảnh: Quỳnh Nga |
Kết luận hội nghị, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ, mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng qua phân tích các chỉ số cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém cần khắc phục cũng như vẫn còn những dư địa để đổi mới sáng tạo. Vì vậy để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và khắc phục tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, khuyến nghị của các chuyên gia để các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng các giải pháp trong chương trình hành động của địa phương, cơ quan đơn vị để tổ chức thực hiện.
Đồng thời, chủ động tiến hành phân tích, đánh giá tại đơn vị, địa phương mình để xác định rõ những nội dung cần thực hiện, đưa ra các giải pháp cụ thể. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải đổi mới tư duy, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu.
24 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh:Quỳnh Nga |
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI của tỉnh Quảng Ninh.