Đầu tư và cuộc sống
Quảng Ninh rà soát hồ sơ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023
Thanh Sơn - 29/05/2024 15:23
Sáng nay (29/5), UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc họp đánh giá tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị xét, công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, trong 13 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên định với mục tiêu “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” và đã phát huy tinh thần quyết liệt, khẩn trương trong tổ chức thực hiện.

Diện mạo NTM Bình Liêu ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyên Dung

Đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã về đích NTM (về sớm 3 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao). Trong đó có 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (57,1%) và 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (28,57%). 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về sớm 2 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao; trong đó có 4/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (57,1%), vượt 2,8 lần so với mục tiêu Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội. Toàn tỉnh đã có 4/7 huyện, đạt 57% cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trong đó, Đầm Hà, Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong nước đạt chuẩn huyện NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Qua đó đưa Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị trung ương xét công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, hải đảo đạt kết quả cao. Cụ thể có 64/64 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (42,19%), vượt 2,19% so với mục tiêu hết năm 2025, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (15,62%), vượt 5,62% so với mục tiêu hết năm 2025; 100% địa phương cấp huyện khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt chỉ tiêu.

Lễ đón nhận Quyết định công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới tháng 3/2024. Ảnh: Quảng Ninh Portal

Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, nhất là giai đoạn 3 năm xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 đã giúp cho các xã, thôn, khu dân cư có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng sản xuất đồng bộ; bộ mặt nông thôn thay đổi, đặc biệt người dân tự tin trong vai trò chủ thể, tự nâng cao cả về trình độ nhận thức và trình độ sản xuất, nâng cao thu nhập, ngày càng tiến lên ấm no, giàu có, văn minh và hiện đại.

Một số chỉ tiêu tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt và vượt mục tiêu gồm: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,22% (vượt 0,08% so với chỉ tiêu đề ra); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,3%, cao hơn 0,05% so với kế hoạch; thu nhập của người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo bình quân đạt trên 73,34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 61,94% (tăng 4,94% so với đầu năm); tỉnh Quảng Ninh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương. Căn cứ theo hướng dẫn của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã có 8 nội dung hoàn thành về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) cũng đang là đòn bẩy kinh tế nông thôn. Đến nay toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương cấp huyện đạt từ 3-5 sao, trong đó 315 sản phẩm đạt 3 sao, 98 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao; 212 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trong đó có 55 doanh nghiệp, 83 HTX, 74 hộ sản xuất. 100% các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Sản xuất hiệu quả, thu nhập tăng lên, ở các vùng nông thôn Quảng Ninh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã giảm nhanh số hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2023 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sớm hơn 3 năm so với mục tiêu đặt ra. Tỉnh đã ban hành quy định chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2023-2025 với mức chuẩn nghèo được nâng lên gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của trung ương về tiêu chí thu nhập. Theo chuẩn nghèo này, toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, 3.063 hộ cận nghèo, mục tiêu của tỉnh là không còn hộ nghèo vào năm 2025.

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến tham gia, phân tích của các đơn vị, sở, ngành đối với một số tiêu chí, chỉ tiêu còn vướng mắc, kết luận cuộc họp, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận kết quả xây dựng hồ sơ đề nghị xét, công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chuẩn bị chu đáo, nội dung đầy đủ. Tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện đánh giá và xác định các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2021-2025; Thẩm định kết quả xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 - Đợt 1 cho 5 xã (3 xã nâng cao và 2 xã kiểu mẫu).

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hải Hà

Nhấn mạnh việc Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2024 của tỉnh, ông Cường yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung rà soát, cập nhật số liệu và hoàn thiện báo cáo; chủ động lấy ý kiến tham vấn, đánh giá, thẩm định của các bộ, ngành trung ương đối với các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo trước ngày 5/6 trên cơ sở bám sát các nội dung báo cáo trung tâm và các ý kiến tham gia tại cuộc họp để chuẩn bị tốt nội dung báo cáo và giải trình liên quan. Vào trung tuần tháng 6/2024 sẽ họp Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh để nghe báo cáo hoàn thiện hồ sơ lần cuối.

Tin liên quan
Tin khác