Thời sự
Quảng Ninh giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 37,1%
Thu Lê - 10/07/2020 08:05
Sáng 9/7 - ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
TIN LIÊN QUAN

Theo chỉ đạo phiên chất vấn của ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu đã tập chung vào 2 nhóm vấn đề chính, gồm: giải ngân vốn đầu tư công và công tác đào tạo nghề. Trong đó nhóm vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công có nhiều ý kiến chất vấn nhất.

Theo báo cáo của ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, đến ngày 30/6/2020, tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản mới đạt được trên 30%, trong khi đó, theo mục tiêu kế hoạch đặt ra là tới tháng 9/2020 phải giải ngân 100%. Ông Hùng cũng chỉ ra một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như: Sở Y tế, Sở GTVT, Quảng Yên, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái. 

ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại phiên chất vấn

Là 1 trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trả lời chất vấn, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết: Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2020 của TP Hạ Long tính đến ngày 30/6/2020 là 4.687 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân đạt 1.261 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch. Đối với việc giải ngân vốn ngân sách tỉnh hiện mới giải ngân được trên 319 tỷ đồng, bằng 45,2% kế hoạch. 

Lý giải về việc giải ngân ngân sách thành phố chưa đảm bảo tiến độ, ông Hà cho biết là do thành phố phải tự cân đối ngân sách nên có thu mới có chi, đặc biệt là với nguồn cân đối chi đầu tư xây dựng cơ bản. Do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid - 19 dẫn đến tiến độ thu ngân sách của thành phố chậm so với kế hoạch, do đó nguồn lực dành cho chi đầu tư chưa có để giải ngân.

Ngoài ra, một số đại biểu còn có 1 số ý kiến ngoài nội dung về giải ngân vốn đầu tư công như dự án chậm tiến độ, khai thác đất liệu phục vụ san lấp mặt bằng. 

Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu Hạ Long đã yêu cầu làm rõ thông tin là hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu dự án chậm tiến độ trên 24 tháng; các giải pháp cụ thể trong thời gian tới để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và giám sát các chủ đầu tư hoàn thành dự án chậm tiến độ; bảo đảm quyền lợi cho người dân đã góp vốn vào các dự án? ...

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Thu cho biết: hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 97 dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ trên 24 tháng. Trong đó, có 17 dự án đã cơ bản hoàn thành, UBND tỉnh giao cho các địa phương tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành việc đầu tư để nghiệm thu, bàn giao dự án. 31 dự án chậm tiến độ do còn vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB. Có 14 dự án chậm tiến độ nhưng đến nay không còn phù hợp với quy hoạch chung của khu vực. Có 9 dự án đang xem xét cho gia hạn và 4 dự án đang xem xét thu hồi theo quy định của Luật đất đai. Có 2 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan đang thực hiện việc thoái vốn nhà nước. Còn lại 20 dự án Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục kiểm tra để đề xuất với UBND tỉnh xử lý theo quy định.....

Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là 37,1%, so với mặt bằng chung của cả nước thời gian này thì tỉnh nằm trong tốp trung bình và vẫn chưa đạt được mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra. 

Ông Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại phiên chất vấn sáng ngày 09/7.

Cùng với nguyên nhân khách quan do tác động xấu từ dịch Covid-19, nhất là thực hiện giãn cách xã hội khoảng 1 tháng, nên khó khăn trong tìm kiếm lao động, thực hiện GPMB, ....thì còn nguyên nhân chính là sau phân cấp đầu tư, việc chuẩn bị đầu tư còn chưa tốt, nhiều địa phương thuê đơn vị tư vấn chưa đảm bảo chất lượng,... 

Để giải quyết tình trạng này, ông Ký đã thay mặt HĐND tỉnh yêu cầu: những công trình, dự án đến ngày 15/6/2020 giải ngân 0%, dưới 10% và đến 30/6 dù giải ngân trên 10% nhưng xét thấy khó có khả năng hoàn thành 100% đúng kế hoạch năm 2020; hay dự án cho thấy chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, dự án có nguy cơ kéo dài sang chu kỳ trung hạn 2021-2026 thì thực hiện cắt, giảm, dừng, đình hoãn, theo quy định của pháp luật.

Đối với một số địa phương đang không cân đối được do hụt thu từ thuế, phí như Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, cấp ủy HĐND phải rà soát, cắt ngay công trình dự án có sử dụng nguồn thuế phí, đặc biệt là nguồn thu từ phí hạ tầng cửa khẩu, phí tham quan Vịnh Hạ Long để cân đối nhiệm vụ chi thường xuyên.

Tin liên quan
Tin khác