- Không chất vấn tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Ông Hoàng Quang Hàm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
- Đổi mới kỳ họp Quốc hội: Đại biểu sẽ nói ngắn hơn, đừng đọc như diễn thuyết
- [Longform] Ông Hoàng Quang Hàm: Ưu tiên chống Covid-19, song cần "khoảng lặng" của chính sách
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XIV - (Ảnh QP). |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021.
Trước khi chuyển giao nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XIV, năm 2021 chỉ có một kỳ họp (kỳ thứ 11, thường diễn ra vào tháng 3).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Theo kế hoạch, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách được giao chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Kiểm toán nhà nước; báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2/2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 11.
Cũng với yêu cầu về thời gian như trên, Uỷ ban Pháp luật chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chính phủ, còn Uỷ ban Tư pháp chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong đó, tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua kể từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2021.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề nóng nổi lên thuộc thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Trong ba kỳ họp của năm sau, chỉ có kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XV có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn chính xác, khách quan, đi thẳng vào vấn đề; tích cực tranh luận đến cùng những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.
Đề nghị tiếp theo dành cho đại biểu là tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội; tích cực chủ động trong việc nêu kiến nghị giám sát để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định, mỗi năm Quốc hội họp hai kỳ. Riêng năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới vẫn họp hai kỳ, khoá cũ họp một kỳ.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới thường diễn ra vào tháng 7, tập trung cho công tác nhân sự. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội nhiệm kỳ mới cũng xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV về thời gian bắt đầu và nội dung cơ bản như các kỳ họp thường lệ của Quốc hội các khoá trước.
Trong giám sát, kỳ họp này Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.