Một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh CTV). |
Trước đó, như Báo Đầu tư Online đã đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 47 (tháng 8/2020) với hai nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, có ba nội dung được chọn để chất vấn.
Một, quản lý, giám sát đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế và tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công.
Hai, việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Ba, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh thu hút có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và Xã hội cũng gồm ba nội dung.
Một là việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Hai, tình hình lao động, việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp trong thời gian tới.
Ba, giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện nay.
"Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, cả hệ thống chính trị tập trung tối đa cho việc phòng, chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân; sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tổ chức hoạt động chất vấn vào ngày 11/8/2020 tại phiên họp thứ 47 theo Kế hoạch đã ban hành", thông báo mới nêu rõ.
Hàng năm, theo thông lệ, ngoài hai kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tiến hành hai lần chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban, vào tháng 3 và tháng 8.
Nhưng năm nay, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (tháng 5-6/2020) Quốc hội cũng đã không tổ chức hoạt động chất vấn trực tiếp để Chính phủ lo tập trung chống dịch.
Trong báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề gây bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành sau chất vấn để phục vụ Quốc hội xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, xem xét đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn... giai đoạn 2016-2020; đồng thời, chuẩn bị tốt cho việc quyết định các chiến lược, kế hoạch giai đoạn phát triển tiếp theo.