Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 6.000 tỷ đồng |
Bộ Tài chính vừa công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, số dư Quỹ bình ổn giá đầu kỳ là: 6.079 tỷ, số dư Quỹ bình ổn giá cuối kỳ (quý II/2024) là 6.061 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong quý II, cơ quan quản lý đã thực hiện trích lập vào Quỹ bình ổn giá 29,25 tỷ đồng, tổng chi sử dụng Quỹ bình ổn khoảng 9,7 tỷ đồng, lãi phát sinh trên số dư Quỹ dương trên 3, 2 tỷ đồng, lãi phát sinh trên số dư Quỹ âm 5,9 tỷ.
Như vậy, tính tới hết tháng 9, Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 6.061 tỷ đồng, giảm khoảng 18 tỷ đồng so với quý trước đó.
Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là: 3.078 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM: 328 tỷ đồng; Công ty TNHHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội: 299,7 tỷ đồng; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp: 460 tỷ đồng; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ: 390,4 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh: 164,7 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Dương Đông: 182 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức: 467,2 tỷ đồng…
Từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan điều hành giá đã dừng trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. So với cuối 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.
Việc giảm này chủ yếu do một số doanh nghiệp như Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil, Công ty CP Tập đoàn Pelio không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tiếp được nhiều doanh nghiệp đưa ra khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nêu ý kiến cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì thời gian qua, Quỹ không trích/chi nhiều kỳ, nhưng thị trường vẫn ổn định.
Mới nhất, hôm 20/9, Nhóm thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu có văn bản gửi Thủ tướng, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Công thương, Tư pháp...về các vấn đề liên quan đến việc sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu, trong đó, các thương nhân này đề nghị xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì lý do Quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất.
Hơn nữa, việc duy trì Quỹ cũng tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nói chung và cùng với thuế môi trường thu trước, nhiều doanh nghiệp lớn đã lạm dụng Quỹ này và tiền thuế để trục lợi trái pháp luật.
7/15 đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ kết luận đã sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.
Có 3 doanh nghiệp đầu mối là Hải Hà Petro, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng Quỹ bình ổn.