Là khu vực trọng điểm công nghiệp, các địa phương ở Đông Nam bộ đều có kế hoạch phát triển các KCN quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong ảnh: KCN Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) |
Quy hoạch hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn
Đến thời điểm này, một số tỉnh trong vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trong các bản quy hoạch này có một phần rất quan trọng là quy hoạch các KCN mới đến năm 2030. Đây là cơ sở đầu tiên để các địa phương và nhà đầu tư thực hiện những bước tiếp theo.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ có tổng cộng 24 KCN với tổng diện tích hơn 16.000 ha. Hiện địa phương này đã có 13 KCN hoàn thiện hạ tầng. Như vậy, sẽ còn 11 KCN nữa được xây dựng từ nay đến năm 2030.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Bình Dương phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1”
- Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương
Bình Dương sẽ chọn lọc thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh với các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại và đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các KCN.
Đối với các KCN đang hoạt động, tỉnh Bình Dương tiến hành nghiên cứu chuyển đổi các KCN ở phía Nam (giáp TP.HCM, Đồng Nai) thành các KCN chất lượng cao hoặc thành các khu đô thị - thương mại - dịch vụ phù hợp quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng Nai định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc
- Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai
Định hướng thu hút đầu tư vào KCN trong những năm tới của tỉnh Đồng Nai là thu hút đầu tư có chọn lọc, chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ mới, hiện đại, không thâm dụng lao động, không có yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Điều này được thể hiện qua kết quả cấp phép đầu tư các dự án 6 tháng đầu năm 2024. Hầu hết các dự án này đều thuộc ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo…, không có dự án có yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, thách thức trong thu hút đầu tư vào KCN ở Đồng Nai là quỹ đất còn lại trong các KCN đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là các KCN ở những địa bàn trọng điểm như Long Thành, Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa. Trong khi đó, các KCN mới đang gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư như xử lý đất cao su, đất rừng, quy hoạch phân khu...
TP.HCM thiếu quỹ đất công nghiệp
- Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza)
TP.HCM ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường...; hạn chế thu hút những dự án đầu tư có quy mô vốn thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với thu hút đầu tư vào các KCN ở TP.HCM là thiếu quỹ đất công nghiệp.
Hiện quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trong các KCN tại TP.HCM chỉ có vài chục héc-ta, nhưng nằm rải rác ở nhiều khu. Nhiều khu đất tại các KCN vẫn vướng giải phóng mặt bằng, nên chưa có được diện tích lớn để thu hút các dự án quy mô.
Hepza đang phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ vướng mắc tại KCN Lê Minh Xuân 2, đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN Phạm Văn Hai 1 và 2 để có quỹ đất thu hút đầu tư trong những năm tới.
Trong danh sách quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đầu tư một số KCN có quy mô rất lớn như KCN Dầu khí Long Sơn (850 ha). Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, có đến 5 dự án KCN có diện tích từ 1.000 ha trở lên, gồm KCN Bắc Châu Đức 1 (1.200 ha); KCN Bắc Châu Đức 2 (1.000 ha); KCN Bắc Châu Đức 3 (1.000 ha); Bắc Châu Đức 4 (1.000 ha); Bắc Châu Đức 5 (1.200 ha), đều được quy hoạch tại huyện Châu Đức.
Tỉnh Đồng Nai cũng quy hoạch nhiều dự án KCN mới. Cụ thể, theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có tổng cộng 48 KCN, trong đó có các KCN chuyên sâu như khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu đổi mới sáng tạo. Trong quy hoạch, có một số KCN diện tích lớn như KCN Bàn Cạn - Tân Hiệp (2.000 ha); KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (1.819 ha). Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%. Như vậy, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ xây dựng thêm 17 KCN mới.
Tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương, nhiều KCN mới đã được địa phương đưa vào bản Dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư thêm 10 KCN mới. Trong đó, 2 KCN tại huyện Bắc Tân Uyên và TP. Tân Uyên sẽ được đầu tư trong 2 năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha. Còn lại, 8 KCN khác tại huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giao được đầu tư đến cuối năm 2030, với tổng diện tích trên 6.000 ha.
Tương tự, bản Dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của đầu tàu kinh tế TP.HCM cũng có thêm hàng loạt KCN mới. Dự kiến đến năm 2030, Thành phố có tổng cộng 37 KCN (trong đó có 3 khu chế xuất).
Hiện nay, TP.HCM có 5 KCN đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 754 ha; 4 KCN được đề xuất thành lập mới với diện tích khoảng 1.368 ha. Ngoài ra, có 11 KCN tiềm năng thành lập mới trong trường hợp Thành phố được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với diện tích khoảng 4.127 ha.
Như vậy, có thể thấy, trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ sẽ xây dựng rất nhiều KCN mới với quy mô lớn để thu hút đầu tư.
Chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái
Có một điểm chung về quy hoạch KCN tại Đông Nam bộ là các địa phương đều định hướng xây dựng các KCN sinh thái với tiêu chuẩn môi trường cao hơn so với trước đây. Đồng thời, hướng đến việc thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu theo hướng nâng cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Những năm tới, Bình Dương hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, dự án công nghệ cao và phát triển bền vững.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đi theo hướng ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao dựa trên thế mạnh của địa phương là có sân bay Long Thành. Trong đó, chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin...
Địa phương này cũng hướng đến việc chuyển đổi các KCN hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; phát triển KCN theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Giai đoạn trước, các KCN thường thu hút đầu tư các ngành nghề đại trà. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, nhiều địa phương sẽ quy hoạch các KCN chuyên ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Số liệu thống kê từ các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ cho thấy, số lượng dự án công nghệ cao đầu tư vào các địa phương có xu hướng tăng dần. Điều này cho thấy định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc của các địa phương đang đi đúng hướng.