Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. |
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch, sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam, trong đó có 18.000 km2 diện tích biển thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi phát biểu tại Kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, sáng 8/7.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong đó có Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040.
Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thông tin từ Kỳ họp cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa ước đạt 11,5% đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Giang, Khánh Hòa); thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa đứng đầu cả nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là việc làm hết sức khó, hiện nay có nhiều địa phương, đơn vị ở Trung ương có tỷ lệ giải ngân chậm, nhưng Thanh Hóa đã đứng đầu cả nước về giải ngân đầu tư công. "Đây là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, sự tổ chức thực hiện của UBND tỉnh từ khâu lập dự án, đền bù tái định cư, thu hồi đất cũng như việc lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực thì chúng ta mới giải ngân được vốn đầu tư công như vậy", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 29.670 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 72 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 4,3%. Trong thành tích chung đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, có sự đóng góp quan trọng của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Lưu ý thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, trong nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Như, "Cần kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tỉnh nhà", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiệm vụ tiếp theo được ông Trần Thanh Mẫn đề cập là tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có Nghị quyết số 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, trong cả nước chỉ có hơn 10 địa phương có Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Đây là điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Qua hơn 2 năm thực hiện, chúng ta cần tiến hành sơ kết Nghị quyết 37 của Quốc hội để phát huy mặt đã làm, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh việc đang làm, đồng thời có quyết tâm cao để thực hiện những việc còn lại. Sau 5 năm khi tổng kết Nghị quyết 37, chúng ta xem những cơ chế, chính sách gì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Thanh Hóa tiếp tục phát triển vươn lên", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Thanh Hóa cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tập trung xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu.
"Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành công nghiệp không khói tỉnh cần đặc biệt quan tâm, có nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng gắn với du lịch biển bởi Thanh Hóa là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch biển rất lớn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, tạo sự kết nối liên thông, đồng bộ; thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai các giải pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả cao nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Thanh Hóa là tỉnh giải ngân đầu tư công tốt nhất; đã làm tốt rồi phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.