Chủ tịch HĐQT Công ty CP Green i - Park Nguyễn Minh Hưng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Bình về quá trình phát triển của Khu công nghiệp Liên Hà Thái. |
Phát triển các khu chức năng
Trọng tâm đầu tiên của Quy hoạch là phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại địa phương. Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc và các khu công nghiệp khác trong Khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cùng với đó, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp. Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dược - sinh học đồng bộ, hiện đại, là địa điểm hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực này.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình cũng chỉ rõ, phát triển hệ thống 67 cụm công nghiệp, tổng diện tích 4.198 ha trên địa bàn các huyện. Hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp sản xuất theo hướng liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh.
Quy hoạch đã phân bố phát triển khu nghiên cứu đào tạo 1.000 ha tại huyện Quỳnh Phụ theo hướng trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của vùng và cả nước; tập trung các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ cao và các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học, thu hút chuyên gia các ngành công nghệ cao làm công tác nghiên cứu ứng dụng và đào tạo.
Với các địa điểm tiềm năng đầu tư, sẽ phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà); Làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư); Vườn hoa cải Hồng Lý (huyện Vũ Thư); Cụm di tích Đình - Đền - Bến Tượng, A Sào (huyện Quỳnh Phụ); Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng (huyện Hưng Hà)...
Phát triển thương mại - dịch vụ, logistics với hệ thống các khu thương mại tập trung, khu dịch vụ tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng... Đến năm 2030, thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại TP. Thái Bình và các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ.
Không gian phát triển đầy tiềm năng
Đó là không gian hướng biển - một lợi thế to lớn của tỉnh Thái Bình. Phương án phát triển các khu chức năng của Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định: xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa của các địa phương. Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, đô thị dịch vụ, các khu công nghiệp phía Bắc Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp tiếp cận đường ven biển. Hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ công nghệ cao, không carbon trên diện tích lấn biển.
Về không gian hướng biển, Quy hoạch đã xác định khu lâm nghiệp diện tích là 5.386 ha, trong đó diện tích trong địa giới 1.049 ha và diện tích ngoài địa giới 4.337 ha (2.089 ha rừng phòng hộ, 2.248 ha rừng đặc dụng). Quy hoạch cũng chỉ rõ, khu ven biển có trách nhiệm bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, vì vậy đã quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng... là bức tường xanh trải dài, che chắn cho suốt dải bờ biển Thái Bình.
Không gian vùng biển 6 hải lý của Thái Bình có diện tích 487 km2, với 8 vùng chức năng là: vùng an ninh - quốc phòng; cảng biển, giao thông và logistics; nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; bảo tồn thiên nhiên và nghiên cứu khoa học; khai thác tài nguyên biển; khai thác năng lượng tái tạo; phát triển du lịch, dịch vụ biển; vùng lấn biển phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị.
Nơi đây sẽ xây dựng 3 khu bến cảng là Khu bến Diêm Điền, Khu bến Trà Lý và Khu bến Ba Lạt. Phát triển cảng biển Thái Bình, trọng tâm là khu bến cảng ngoài cửa sông tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn; xây dựng 2 cảng cạn ở phía Bắc và phía Nam Khu kinh tế. Quy hoạch phát triển điện gió ven biển khu vực giáp Khu du lịch Cồn Đen và giáp cửa Trà Lý; xây dựng Nhà máy điện gió 70 MW. Phát triển tổng thể du lịch biển đa ngành và đa sản phẩm như du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường; du lịch nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn Đen; khu du lịch phố biển Đồng Châu; lễ hội đền, phủ thờ bà Chúa Muối...
Tập trung không gian phát triển đô thị sinh thái biển tại phân khu phía Nam, kết hợp giữa đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ, công nghiệp với phát triển du lịch, phát triển điện gió và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Quy hoạch dự kiến khu vực nghiên cứu lấn biển để mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình khoảng 4.423 ha.
Thái Bình sẽ có 3 tuyến cao tốc, trong đó tuyến CT.16 kết nối Khu kinh tế Thái Bình - Khu đô thị Trà Giang và TP. Thái Bình với Vùng kinh tế Tây Bắc Thủ đô và các vùng miền Trung, miền Nam. Sau năm 2030, khi đã hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, khu thương mại dịch vụ logistics ven biển, Thái Bình sẽ hình thành khu cảng hàng không lưỡng dụng với các điểm đáp trực thăng, bãi đáp thủy phi cơ ven biển.
Tiếp tục thăm dò dầu khí tại các khu vực tiềm năng, vùng biển xa bờ. Xây dựng, vận hành ổn định hệ thống thu gom, phân phối khí mỏ Hàm Rồng, mỏ Thái Bình. Tiếp tục nghiên cứu công nghệ khai thác bể than đồng bằng sông Hồng tại xã Nam Thịnh. Xây dựng Nhà máy chế biến condensate Thái Bình trong Khu kinh tế; xây dựng Trung tâm Nhiệt điện LNG, các dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi, điện mặt trời áp mái, điện sinh khối. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trạm, đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV, đáp ứng nhu cầu về điện.
Quy hoạch đã khoanh vùng huyện Thái Thụy và Tiền Hải, hai huyện ven biển nằm trong Khu kinh tế là vùng động lực chủ đạo của tỉnh Thái Bình. Thái Thụy với 1 thị trấn và 35 xã, diện tích 266,6 km2, gánh trọng trách phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh, gắn với phát triển phía Bắc Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ thương mại, du lịch và thủy - hải sản; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở, nông nghiệp công nghệ cao...
Khoanh vùng huyện Tiền Hải với 1 thị trấn và 31 xã, diện tích 231,3 km2, gánh trọng trách phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh với phát triển phía Nam Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, dịch vụ thương mại, du lịch và thủy - hải sản; khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; hạ tầng đô thị và nhà ở; nông nghiệp công nghệ cao kết hợp truyền thống; lấn biển để mở rộng không gian của tỉnh.
Điểm sáng ấn tượng bao trùm Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là không gian kinh tế - xã hội ven biển Thái Bình gồm toàn bộ Khu kinh tế Thái Bình với vai trò là cực tăng trưởng mới của tỉnh và Vùng đồng bằng sông Hồng. Vì thế, trong mục tiêu phát triển tổng thể đến năm 2030 của Quy hoạch đã khẳng định: “Xây dựng Khu kinh tế thành khu vực động lực phát triển của tỉnh. Tận dụng lợi thế vùng biển để phát triển một số lĩnh vực có vai trò động lực như cảng biển, năng lượng (điện khí, điện gió), công nghiệp, đô thị lấn biển…