- Chuyên gia WB: Quy hoạch tổng thể quốc gia nên là tài liệu "sống", bám sát thực tiễn
- Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát triển nhanh, bền vững
- Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: Không gian phát triển quốc gia là một thể thống nhất
- Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tìm động lực mới, kiến tạo không gian phát triển đất nước
- Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 vùng động lực quốc gia |
Hình thành 5 đô thị tầm cỡ quốc tế vào năm 2050
Quy hoạch Tổng thế quốc gia sẽ cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Tham vấn ý kiến các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra mới đây.
Dựa trên tầm nhìn đó, không gian phát triển quốc gia bắt đầu được định hình. Các vùng kinh tế động lực, hành lang kinh tế, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới hạ tầng kết nối… bắt đầu được hoạch định trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia.
Theo ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các hành lang kinh tế sẽ bao gồm các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, như hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu, hay Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội…
Quy hoạch xác định 4 vùng động lực quốc gia, gồm Vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Vùng động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu; Vùng động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; Vùng động lực Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Đến năm 2050, quy hoạch có điểm nhấn là xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Không chỉ vậy, Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng sẽ định hướng tổ chức không gian biển, định hướng khai thác và sử dụng vùng trời, cũng như định hướng phân vùng và liên kết vùng một cách rõ ràng.
Theo đánh giá của TS. Danny Leipziger, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Quy hoạch đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Ngoài ra, cần có lộ trình điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ. Một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới.
Vấn đề lớn với các bản quy hoạch tới năm 2030 trở đi là yếu tố bất định ngày càng tăng lên, cả trong điều hành kinh tế và đầu tư, từ địa chính trị, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, đại dịch... Do đó, TS. Danny Leipziger cho rằng, Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu “sống” và cần liên tục cập nhật, bám thực tế. "Tính bất định đòi hỏi chúng ta phải đánh giá, điều chỉnh, cân nhắc lại các yếu tố trong nước và toàn cầu", TS. Danny Leipziger nói.
Cần phát triển thành mạng lưới có tính liên kết
Theo TS. Phó Đức Tùng, chuyên gia của WB, phát triển hệ thống đô thị quốc gia là một trong những nội dung quan trọng, bởi hệ thống đô thị là cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống, chứ không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc. Quy hoạch và hạ tầng cần đi trước một bước, làm định hướng cho phát triển đô thị.
"Hệ thống hạ tầng mang tính định hướng quốc gia gồm những hạ tầng chiến lược nhằm hướng tới hiện thực hóa định hướng quy hoạch và tăng cường hiệu quả của hệ thống đô thị cần phải được thực hiện trước, để dẫn dắt phát triển đô thị, chứ không phải chỉ là đi sau để phục vụ cho những đô thị hiện hữu", ông Tùng lưu ý.
Với nguyên tắc phát triển đó, ông Tùng gợi ý về định hướng phát triển 2 vùng đô thị trọng điểm. Một là Vùng Đồng bằng sông Hồng với trục Hà Nội - Hải Phòng là lõi, mở rộng trên toàn bộ phạm vi các tỉnh đồng bằng, ven biển và trung du Bắc bộ. Hai là Vùng đô thị trọng điểm Nam bộ với trục TP.HCM - Vũng Tàu là trung tâm, mở rộng hai cánh ra miền Đông, Nam Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Vị chuyên gia WB nhấn mạnh, điểm cốt yếu trong phát triển 2 vùng này là phát triển cảng nước sâu với đầy đủ hệ thống hạ tầng hậu cần cảng tại cửa biển và cảng hàng không quốc tế tầm cỡ lớn tại đô thị trung tâm để tăng nội lực của trục trung tâm; tạo kết nối giao thông chiến lược nội vùng…
Đồng thời, phát triển trục đô thị xương sống miền Trung tạo thành chuỗi đô thị tầm trung với chiến lược cốt lõi là tạo trục xương sống hạ tầng đa phương thức thật vững chắc và hiệu quả, trên cơ sở đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cũng như tuyến đường biển quốc tế trên biển Đông.
Về tổ chức không gian phát triển các ngành, TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp Công ty TNHH PwC Việt Nam phân tích, mục tiêu phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ cho tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn trong tương lai.
PwC Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi sang một quốc gia tập trung vào dịch vụ sẽ cần nhiều thời gian, do đó cần có mục tiêu khác nhau được đặt ra cho các tỉnh, thành phố khác nhau tại Việt Nam. “Một số thành phố lớn đã tập trung nhiều vào phát triển dịch vụ, nên các địa phương xung quanh có thể tập trung phát triển công nghiệp với những ngành công nghiệp tiên tiến và có giá trị cao”, ông Tú khuyến nghị.