Thoái vốn nhà nước tại Sabeco là thương vụ thành công nhất từ trước đến nay |
Chỉ thoái được vốn tại 3 doanh nghiệp trong quý I
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, nếu như quý I/2020 thoái được 79 tỷ đồng vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp, thu về 220,6 tỷ đồng thì quý I năm nay chỉ thoái được 52,5 tỷ đồng tại 3 doanh nghiệp, thu về 84,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu cả tính số vốn do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành đã thoái (ngoài Quyết định 908/QĐ-TTg và Quyết định 1232/QĐ-TTg) thì kết quả thoái vốn 3 tháng đầu năm nay khá khả quan. Nếu như 3 tháng đầu năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty chỉ thoái được 318 tỷ đồng, thu về cho ngân sách nhà nước 551 tỷ đồng thì năm, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn đã thoái được trên 234 tỷ đồng tại 9 doanh nghiệp, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 2.081 tỷ đồng. Số tiền thu về gấp 9 lần số vốn bán ra.
Với tiến độ này không biết bao giờ mới hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1232/QĐ-TTg chứ chưa nói gì đến kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Bởi theo số liệu của Bộ Tài chính thì trong suốt 5 năm vừa qua mới thoái được 27.275 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thu về 177.037 tỷ đồng. Trong đó, chỉ thoái được 6.492 tỷ đồng vốn nhà nước tại 105 doanh nghiệp thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg, thu về 13.582 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch). Ngoài ra, thoái được 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Còn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái được 16.996 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, thu về 53.063 tỷ đồng.
Trước sự ỳ ạch của hoạt động thoái vốn, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp mà các bộ và UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu phải thoái là 120 đơn vị; 4 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng (Sông Hồng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng số 1 và IDICO) trước ngày 30/11/2020 không thoái được phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC; 14 doanh nghiệp phải chuyển giao về SCIC trước ngày 31/8/2020 để SCIC thực hiện thoái vốn; 18 doanh nghiệp phải thoái theo phương án cụ thể.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, cả năm 2020 chỉ thoái được 2.505,6 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu về 5.965,7 tỷ đồng. Trong đó chỉ thoái được 1.788 tỷ đồng tại 13 doanh nghiệp theo Quyết định 908/QĐ-TTg, thu về cho ngân sách 4.617 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bị phá sản và gánh nặng được dồn vào giai đoạn 2021-2025: thoái vốn tại 54 công ty cung cấp nước sạch ở các địa phương và 15 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.
Âm vốn chủ sở hữu, hết Covid-19 cũng khó thoái
“Lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc, hiện chưa có danh sách doanh nghiệp phải thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 nên Chính phủ yêu cầu vẫn tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được quy định cụ thể trong Quyết định 908/QĐ-TTg cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục thoái vốn mới”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017, Nghị định 91/2015 và Nghị định 32/2018), theo ông Tiến, đã tháo gỡ khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thoái vốn cũng như cổ phần hóa.
“Nếu khống chế được đại dịch Covid-19 thì hoạt động thoái vốn sẽ tăng tốc trở lại vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhân lúc thị trường chứng khoán đang hưng phấn đã bắt đầu xúc tiến hoạt động thoái vốn. Thoái vốn thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Thị trường chứng khoán đang nóng, nên hoạt động thoái vốn chắc chắn thuận lợi hơn. Hy vọng quý 3, quý 4 năm nay, tiến độ thoái vốn sẽ nhanh hơn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm xác định giá trị doanh nghiệp với tổ chức thẩm định giá theo Nghị định 140/2020 nên một trong những vướng mắc lớn nhất của hoạt động thoái vốn là xác định giá trị doanh nghiệp đã được tháo gỡ”, ông Tiến cho biết nhưng cũng nhấn mạnh: “Hoạt động thoái vốn nhà nước chỉ có thể được đẩy mạnh khi phải hội đủ 2 điều kiện là thị trường chứng khoán tiếp tục đà lên dốc và đại dịch Covid-19 phải được kiểm soát, đẩy lùi. Nếu không có 2 điều kiện này thì khó có thể nói năm nay sẽ thoái được bao nhiêu vốn, thoái vốn được bao nhiêu doanh nghiệp”.
Nếu nhìn vào số tiền thu về từ hoạt động thoái vốn, có thể nói giai đoạn 2016-2020 khá thành công, nhưng thành công này là nhờ thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết hiện nay cũng chưa biết có tiếp tục thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này hay không. “Nếu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thì chúng tôi sẽ thoái vốn bảo đảm công khai, minh bạch và làm sao phải có hiệu quả cao nhất vì vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này cũng không còn nhiều”, ông Thành cho biết.
“Danh mục mà SCIC đang đầu tư hiệu quả thì phải tính toán căn cơ khi quyết định thoái vốn tại doanh nghiệp nào. Vì vậy, câu chuyện thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk cũng như các doanh nghiệp mà SCIC đang làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hoạt động hiệu quả có thoái tiếp hay không, thoái vào thời điểm nào hiện chưa được bàn đến”, ông Tiến cho biết.
Trong vài tháng nữa Bộ Tài chính mới có báo cáo sơ bộ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê thì so đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ doanh nghiệp có vốn nhà nước gặp khó khăn vô cùng lớn vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước năm 2020 khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2019.
Còn năm 2019, theo số liệu của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội vào cuối năm 2020 thì về cơ bản, doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, nhưng hiệu quả rất thấp: tổng tài sản tăng 3%, hàng tồn kho giảm 2%, nợ phải trả giảm 2%, doanh thu tăng 2%, số doanh nghiệp có lỗ phát sinh tăng 6,7%...
Năm 2019, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh rất lớn, lên tới cả trăm tỷ đồng như Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh; Tổng công ty Lương thực Miền Nam; Tổng công ty Lắp máy; Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp; Tổng công ty Sông Hồng... Có không ít doanh không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (âm vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng công nghiệp (âm 505 tỷ đồng); Tổng công ty Sông Hồng (âm 666 tỷ đồng); Công ty cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm 99 tỷ đồng)… Với những doanh nghiệp này, dù thị trường chứng khoán có “sốt nóng”, đại dịch Covid-19 được đẩy lùi thì việc thoái vốn cũng không hề dễ dàng.