Các quỹ đầu tư tư nhân (PE) đang quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam. Trong ảnh: Công ty KMS Technology sẽ nhận được khoản đầu tư của Sunstone Partners - một quỹ PE đến từ Mỹ |
Sự trở lại đầy hưng phấn
Sunstone Partners - quỹ PE hàng đầu tại Mỹ, chuyên đầu tư vào các công ty dịch vụ công nghệ và phần mềm, vừa công bố đầu tư chiến lược vào KMS Technology - công ty dịch vụ phần mềm chuyên lĩnh vực chuyển đổi số, Data và AI.
Được thành lập vào năm 2015, Sunstone Partners có 1,7 tỷ USD vốn cam kết cho 3 quỹ. Chiến lược đầu tư của Sunstone Partners là hợp tác với các nhà quản lý giỏi, các đối tác vốn đầu tiên, để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và mua bán - sáp nhập (M&A) cho các công ty mà mình đầu tư.
Trong thương vụ này, Canaccord Genuity, Choate Hall và Stewart đóng vai trò cố vấn cho Sunstone Partners. Tree Line Capital Partners hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, Houlihan Lokey và Nelson Mullins Riley Scarborough làm cố vấn cho KMS Technology.
Ông Julian Hinderling, Phó tổng giám đốc Sunstone Partners cho rằng, xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu ứng dụng Data và AI ngày càng cấp thiết. KMS đã có những kinh nghiệm chuyên sâu trong việc phát triển các sản phẩm phần mềm gia tăng doanh thu cho khách hàng. Khi KMS tận dụng thế mạnh chuyên môn của Sunstones Partners, sẽ tạo ra cơ hội lớn nhằm đổi mới năng lực, mở rộng quy mô kinh doanh, hướng đến những thành công lớn hơn trong tương lai.
Theo ông Lâm Quốc Vũ, đồng sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị KMS Technology, KMS được thành lập với tầm nhìn về một đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, đi cùng dịch vụ hàng đầu cho khách hàng toàn cầu. Khoản đầu tư từ Sunstone Partners là minh chứng mạnh mẽ cho mô hình kinh doanh của KMS và sẽ giúp công ty mở rộng quy mô hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng chiến lược mới này.
Private Equity (PE) có thể chia làm hai loại
Thứ nhất, nhà đầu tư có cơ hội thẩm định về tài chính, luật pháp, vấn đề ESG, văn hóa và môi trường, quản trị doanh nghiệp. Sau đó, họ có thể thương lượng một số điều kiện đầu tư vào doanh nghiệp và có thể tham gia vào Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của doanh nghiệp.
Thứ hai, nhà đầu tư thương lượng một số điều kiện để đầu tư vào doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trên sàn.
Thương vụ đầu tư của quỹ PE nói trên vào doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, các quỹ PE lớn nhất thế giới đang sở hữu lượng tiền mặt lớn và chịu áp lực giải ngân, mang lại hiệu suất đầu tư tích cực hơn.
Đáng chú ý, môi trường lãi suất thấp hơn đã kích thích các quỹ PE quay trở lại thị trường M&A.
Các nhà tư vấn kỳ vọng, năm 2025 sẽ chứng kiến sự trở lại đầy hưng phấn của thị trường M&A. Hiện tại, các hoạt động M&A đang trở nên sôi động hơn đối với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp.
Giới phân tích đầu tư đang chứng kiến các quỹ PE quay lại thị trường tìm tới các doanh nghiệp. Hiện tại, họ tập trung vào một số công ty quy mô nhỏ và vừa.
Trong quý III/2024, các quỹ PE toàn cầu đã chi 166,2 tỷ USD cho các hoạt động M&A, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Liên minh Nhà đầu tư vốn tư nhân (Vietnam Private Capital Agency - VPCA) được thiết lập mới đây cũng mở ra một chương mới trong thị trường đầu tư tại Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân.
Có 5 đối tác từ các quỹ đầu tư ở châu Á cùng bắt tay, gồm Golden Gate Ventures (GGV), Monk’s Hill Ventures (MHV), Mekong Capital, Do Ventures, Ascend Vietnam Ventures (AVV) tham gia. Trong đó, GGV và MHV đến từ Singapore, 3 quỹ còn lại có trụ sở tại TP.HCM. VPCA hiện có 40 quỹ đầu tư thành viên trong nước và quốc tế như Ascend Vietnam Ventures, Mekong Capital, Vertex Ventures (Ấn Độ), Eurazeo (Pháp), Open Space Ventures (Singapore), Ethos Fund (Mỹ)...
Liên minh này kỳ vọng mở rộng số lượng thành viên lên 100 vào cuối năm nay. Cùng với đó, kêu gọi 35 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân dành cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững đến năm 2035.
Ngoài ra, quỹ PE của VinaCapital đang trong thời gian huy động nguồn vốn này để đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đồng thời, quỹ cũng huy động nguồn vốn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore… vào lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay, VinaCapital đang tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực là tài chính, lĩnh vực về luật, lĩnh vực ESG về môi trường, văn hóa, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Lấp khoảng trống trong dòng chảy
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, các nhà quản lý quỹ ở Đông Nam Á phải điều chỉnh chiến lược của mình, lựa chọn các mục tiêu thận trọng hơn và phương pháp huy động vốn có tính toán. Chiến lược thận trọng này nhằm mục đích phù hợp với tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời định vị các quỹ để tận dụng cơ hội khi điều kiện được cải thiện.
Đại diện VinaCapital cho rằng, các quỹ đầu tư tư nhân vẫn đang có những đánh giá tích cực và muốn đầu tư vào một số lĩnh vực của Việt Nam như tài chính, khởi nghiệp, logistics, đặc biệt là lĩnh vực ESG (môi trường, văn hóa xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Hiện 98% doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm vừa và nhỏ, các đối tượng doanh nghiệp này cần số vốn từ 10 đến 50 triệu USD để phát triển. Có thể giúp họ tăng trưởng về doanh thu 20 - 30%/năm, hoặc tăng trưởng lợi nhuận 15 - 25%/năm trong 3 - 4 năm.
Như vậy, sau khi các quỹ PE thoái vốn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư để họ tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, họ sẽ kêu gọi bạn bè ở các nước tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư PE chưa thực sự quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng để cho nhà đầu tư khác vào sở hữu số cổ phần lớn, cũng như kiểm soát nhiều hơn.
Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư PE nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam cần có tầm nhìn lâu dài hơn. Nếu quỹ PE đặt mục tiêu cho doanh nghiệp chỉ trong thời gian 3 - 5 năm phải đạt được lợi nhuận mong muốn, sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho chủ doanh nghiệp.
PE sẽ tiếp tục phát triển, cơ hội đầu tư có rất nhiều. Tất nhiên, hiện nay quy mô đầu tư đã lớn hơn nhiều so với trước. Cách đây 5 - 10 - 15 năm, thì dòng vốn PE giải ngân chỉ 5 - 10 - 15 triệu USD/thương vụ, nhưng hiện nay quy mô đã lên tới 30 - 80 triệu USD/thương vụ. Hiện phần lớn dòng vốn PE tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa từ 500 triệu USD trở xuống, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khoảng 20 - 30%/năm.
“Quan trọng là chủ doanh nghiệp, họ hiểu giá trị mà nhà đầu tư PE mang lại cho họ là gì và sẽ hợp tác với họ như thế nào”, đại diện VinaCapital cho hay.
Thực tế, các quỹ đầu tư toàn cầu đang cân đối phân bổ nguồn vốn mua tài sản tại Đông Nam Á, trên cơ sở kỳ vọng lãi suất sẽ giảm và mức định giá ở khu vực này đang thấp, hứa hẹn mang lại mức lợi nhuận lớn... Hiện có hơn 40 quỹ đầu tư tập trung vào Đông Nam Á đang hoạt động trên thị trường, tìm cách huy động hơn 11,44 tỷ USD vốn cam kết. Cho đến nay, các quỹ này đã huy động được ít nhất 26% mục tiêu.
Ông Hoàng Xuân Chính, Giám đốc điều hành Excelsior Capital Partners, công ty đang huy động vốn cho quỹ thứ hai tập trung vào Việt Nam, thừa nhận rằng, các nhà đầu tư hạn chế đã trở nên thận trọng hơn.
Một trong những mối quan ngại chung mà quỹ PE gặp phải ở khu vực Đông Nam Á là rủi ro pháp lý hoặc các vấn đề liên quan đến thẩm quyền. Tuy nhiên, một số quỹ có tiềm lực tài chính lớn tin rằng, vẫn còn các doanh nghiệp lớn, ổn định, lành mạnh, với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp chất lượng cao ở thị trường Việt Nam đang chờ đón quỹ PE.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA, Việt Nam đang chứng kiến một thời điểm bản lề khi các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng chú trọng cơ hội đầu tư hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
“Chúng tôi cam kết tận dụng tối đa tiềm năng này, đảm bảo rằng dòng vốn sẽ được phân bổ hiệu quả, nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững”, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và cộng đồng khởi nghiệp năng động, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư VC và PE. Tuy nhiên, nhu cầu về việc triển khai vốn một cách có cấu trúc, nâng cao kiến thức chuyên môn và cung cấp các cơ chế hỗ trợ hiệu quả vẫn là điều cần thiết.
Ông Bình Trần, đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures (AVV) cho rằng, dù cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất phong phú, nhưng vẫn ở vị trí phía sau so với các khu vực phát triển hơn như Bắc Mỹ, nơi chiếm gần một nửa tổng số vốn tư nhân huy động trong năm 2023.
“Có một khoảng trống trong dòng chảy vốn chỉ có thể được thu hẹp thông qua các sáng kiến chiến lược và sự hỗ trợ toàn diện hơn cho nguồn vốn tư nhân từ phía Chính phủ”, ông Bình Trần nhận định.