Công tác tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ngoại thành Hà Nội đi học được triển khai tương tự như các lần trước trên nguyên tắc đảm bảo phòng dịch chặt chẽ.
Hôm nay 10/2, hơn 500.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện thị xã ngoại thành Hà Nội bắt đầu đến trường học trực tiếp sau 9 tháng học trực tuyến để phòng chống dịch. |
Ngoài chương trình, kế hoạch dạy học; các nhà trường phải có phương án ứng phó trong các tình huống bất ngờ, đặc biệt khi phát hiện F0 trong trường học.
Tại Công điện mới nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc đi học trực tiếp có nhấn mạnh nhiều nội dung trong đó yêu cầu các nhà trường phổ biến quy định về học tập và sinh hoạt tại trường cho học sinh đầu cấp; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho các em;
Hướng dẫn kiến thức phòng dịch, những việc cần làm; nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Về phía Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.
Theo yêu cầu bắt buộc, 100% các trường phải thực hiện việc xây dựng kịch bản xử trí khi có F0 trong trường khi học sinh học trực tiếp.
Khâu rà soát, theo dõi sức khỏe học sinh phải được các trường phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện chặt chẽ.
Học sinh được đo thân nhiệt, bắt buộc khai báo y tế trước khi vào trường học.
Các trường phải khử khuẩn, dọn vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường và làm ngay sau các buổi học.
Ông Cương cũng cho biết, với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, sau khi cho các em ở 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có đánh giá sơ bộ, nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh các khối lớp này ở 12 quận nội thành được đến trường.
Bên cạnh sự vui mừng của phụ huynh và học sinh khi học sinh trở lại trường thì việc học 1 buổi/ngày khiến việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều.
Do đó, để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
“Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học cho các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ. Do vậy, việc cần làm hiện nay là ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết.
Cũng theo ông Sơn, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn quy trình 4 bước xử lý trường hợp F0 tại trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường.
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid -19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thực hiện tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:
Đối với hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.
Đối với hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.
Đối với hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.
Đại diện Bộ Y tế thì cho hay, đơn vị đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc Covid-19 tăng đột biến, gây quá tải.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ yêu cầu các cở sở y tế tăng cường bảo vệ các khoa nhi, bệnh viện nhi trên toàn quốc, bảo đảm an toàn Covid-19; các bệnh viện sản, khoa sản chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị mắc Covid-19.