Doanh nghiệp “e dè” trước thực tế nhân viên làm 2 việc cùng lúc
Với việc người lao động có thêm nhiều kĩ năng và đa dạng hoá nguồn thu nhập, các bạn trẻ hiện nay không còn quá phụ thuộc vào nguồn lương từ công ty. Theo một nghiên cứu từ Forbes, khoảng 50% người lao động tại Mỹ nói rằng họ có công việc thứ 2, ngay cả khi đã ổn định với vị trí fulltime.
Việt Vân (24 tuổi), nhân viên văn phòng của một công ty truyền thông quảng cáo chia sẻ, bên cạnh công việc toàn thời gian, cô còn cùng bạn của mình kinh doanh nến thơm online, cũng như nhận viết bài freelance cho một số dự án từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, Phương Thảo (27 tuổi) cũng là một “cây bút trẻ” với một số đầu sách được xuất bản. Hay như Phương Duy (25 tuổi) cho biết: “Đi làm được hơn 3 năm nay, mình có tích được một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Tuy không nhiều nhưng mình cũng dành một phần chi phí đó để đầu tư, có thêm nguồn thu nhập.”
Người lao động giờ đây có nhiều nguồn thu nhập đa dạng và không phụ thuộc vào “lương cứng” từ doanh nghiệp |
Dễ dàng nhận thấy, đội ngũ lao động giờ đây không còn phụ thuộc nhiều vào khoảng “lương cứng” từ công việc toàn thời gian, thay vào đó, họ bổ sung “điểm tựa” tài chính theo nhiều cách khác nhau.
Nhận xét về sự thay đổi này, bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet cho biết: “Việc có cùng 2 công việc cùng lúc giúp người lao động tăng thêm trọng lượng trong việc đàm phán với doanh nghiệp. Và thay vì tạo áp lực, chèn ép, khiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhân viên căng như dây đàn, có thể dẫn đến đứt gãy, các nhà lãnh đạo có thể ứng dụng “quyền lực mềm”, tạo điều kiện để nhân viên cởi mở và thoải mái chu toàn cả 2 công việc cùng lúc. Đây cũng chính là lời giải cho HR trong việc xây dựng chiến lược quản trị con người 2 trong 1, vừa ý nhân viên vừa đẹp lòng sếp”.
Lạt mềm buộc chặt – Chiến lược giữ chân nhân tài
Giáo sư của Đại học Harvard, Joseph Nye Jr., cho biết “quyền lực mềm” trong doanh nghiệp dựa trên lực hấp dẫn của việc chia sẻ giá trị và trách nhiệm đóng góp để đạt được những giá trị đó. Nhờ hợp tác, nhân viên – doanh nghiệp chung sống hoà bình để cùng hướng tới mục tiêu và thành quả chung.
Quyền lực mềm chính là giải pháp “lạt mềm buộc chặt” giúp nhân viên thêm gắn bó với doanh nghiệp |
Các nhà lãnh đạo có thể ứng dụng “quyền lực mềm” bằng cách thực hiện một số chính sách, hoạt động “cứng” tạo môi trường tương tác với nhân viên nhằm gia tăng sức ảnh hưởng đến người lao động. Theo tạp chí Forbes, có đến 18% người lao động sẽ quyết định nghỉ việc nếu phải làm việc trong một môi trường quá áp đặt và nhiều quy củ. Ngoài ra, báo cáo từ Gallup cho biết việc có sếp thấu hiểu và quan tâm là một trong những lý do giúp nhân viên cảm thấy thêm gắn bó với doanh nghiệp.
Để chiến lược “mềm” ứng dụng đúng người đúng thời điểm và thắt chặt mối quan hệ doanh nghiệp – nhân viên, chuyên gia Talentnet đưa ra 02 lời khuyên quản trị như sau:
“Đánh trúng” tâm lý của người mới ở ngày đầu tiên: Những giá trị cốt lõi và bền vững của doanh nghiệp cần được trao đổi và thể hiện ngay cho nhân viên mới ngay từ những ngày đầu tiên đi làm. Ngoài ra, quyền lợi của nhân viên mới cũng như chính sách tự chủ về thời gian làm việc cũng cần được phổ biến nhằm thể hiện tinh thần “lạt mềm buộc chặt” của doanh nghiệp. Điển hình, Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức một buổi tiệc nhỏ chào mừng nhân viên mới với các trò chơi kết nối, giúp đội ngũ lao động làm quen và tương tác với nhau nhiều hơn.
Xây dựng chính sách “lạt mềm buộc chặt” cho đội ngũ lao động: Bộ phận HR nên tập trung xây dựng chiến lược vừa có thể đáp ứng nhu cầu của nhân viên, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Tại Vayner Media, công ty thường xuyên tổ chức những buổi thăm dò ý kiến nhân viên và thay đổi chính sách sao cho phù hợp. Thậm chí, công ty này còn theo dõi quá trình làm việc của nhân viên và đưa ra những gợi ý giúp nhân viên cải thiện hiệu suất lao động. Kết quả, nhân viên tại Vayner luôn cảm thấy được tôn trọng và mong muốn gắn bó với doanh nghiệp này lâu dài.
Với việc được tiếp xúc với nhiều kiến thức và kĩ năng mới, đội ngũ lao động không còn quá phụ thuộc vào công việc toàn thời gian. Vì thế, “quyền lực mềm” chính là vũ khí sắc bén của doanh nghiệp để ghi điểm với nhân viên và giữ chân nhân tài.