Lợi nhuận nhóm VN30 nhích nhẹ theo nhóm ngân hàng
Phiên giao dịch ngày 17/4 trước thềm nghỉ lễ và cũng là ngày đáo hạn hợp đồng chứng khoán phái sinh ghi nhận cú rơi sâu của thị trường khi cả ba chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm mạnh. VN-Index tuột khỏi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Sắc đỏ áp đảo khi số lượng lớn mã chứng khoán đóng cửa giảm giá. Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong các yếu tố chính kéo VN-Index giảm 1,86%, còn VN30-Index giảm 1,78%.
Được ví như nhóm cổ phiếu “vua” nhờ quy mô vốn hóa lớn, diễn biến cổ phiếu nhà băng thực tế luôn có ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số chung VN-Index và cả rổ chỉ số VN30-Index.
Kể từ sau kỳ cơ cấu lại danh mục hồi giữa tháng 7/2023 với sự bổ sung của hai ngân hàng là SSB và SHB thay thế cho NVL và PDR, danh mục VN30 đã không thay đổi về thành phần trong suốt nửa năm qua. Với số lượng áp đảo (13/30, tương đương tỷ lệ 49%) cùng tầm vóc lớn nhờ quy mô tài sản, vốn hóa thị trường của 13 nhà băng nhóm này xấp xỉ 3,49 triệu tỷ đồng, chiếm 52,5% quy mô vốn hóa nhóm VN30.
Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận của 13 ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh tổng thể của nhóm VN30.
Trong năm 2023 nhiều biến động, đã xuất hiện khá nhiều nhóm ngành trồi sụt mạnh về lợi nhuận, như ông lớn ngành bán lẻ MWG báo lãi giảm 96%, Masan giảm 61%, PVPower và VPBank chỉ thu về lợi nhuận bằng một nửa năm liền trước. Một số bên lại ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ như Hãng hàng không Vietjet từ thua lỗ gần 2.300 tỷ đồng chuyển về trạng thái có lãi (231 tỷ đồng), VicomRetail báo lãi tăng gấp rưỡi, lợi nhuận Sacombank cũng tăng 53% nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tính chung, tổng lợi nhuận của nhóm 30 “ông lớn” đi ngang so với năm 2022. Thống kê kết quả kinh doanh của tổ chức niêm yết trong rổ danh mục VN30, lợi nhuận sau thuế năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng 1,69%. Kết quả tính riêng trên nhóm ngân hàng cũng khá tương đồng. Lợi nhuận của 13 nhà băng năm 2023 đạt 180.940 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 4,3% so với cùng kỳ và chiếm hơn 65% tổng lợi nhuận của toàn bộ 30 tổ chức trong danh mục cổ phiếu. Trong khi đó, ở nhóm các tổ chức không kể ngân hàng, lợi nhuận giảm nhẹ so với năm trước.
Xét về quy mô tài sản, đóng góp của các ngân hàng còn lớn hơn khi giá trị tài sản đến cuối năm 2023 tương đương 83,5% tổng tài sản các tổ chức niêm yết nhóm VN30.
Khan hiếm những gương mặt mới
Thiếu hàng hóa mới là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài gặp phải khi tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thực tế, không phải không có “ông lớn” nhóm phi tài chính chào sàn những năm qua. Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn nhà nước chậm lại đáng kể, cổ đông Nhà nước tiếp tục sở hữu chi phối, sở hữu thậm chí tới trên 90% vốn… Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành của các doanh nghiệp thấp, khó lòng đáp ứng yêu cầu về tính thanh khoản.
Hay trường hợp cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, dù khối lượng giao dịch mỗi phiên đều lên đến cả triệu đơn vị, nhưng cổ phiếu này chưa thể niêm yết trên sàn HoSE. Lý do là, Công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF) - công ty con của Lọc hóa dầu Bình Sơn đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (chiếm 1,5% tổng tài sản của Lọc hóa dầu Bình Sơn) với một số ngân hàng và đang chờ Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiến hành xét xử. Do vi phạm tiêu chí “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”, cổ phiếu doanh nghiệp lọc hóa dầu này không thỏa mãn điều kiện niêm yết.
Lọc hóa dầu Bình Sơn đã gửi kiến nghị tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc do các quy định hiện hành không hướng dẫn cụ thể về việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ, hay báo cáo hợp nhất. Nếu tiếp tục cách vận dụng của các cơ quan quản lý thị trường hiện nay là áp dụng với cả công ty con của doanh nghiệp muốn niêm yết, thì cổ phiếu BSR sẽ còn chờ dài mới đủ điều kiện niêm yết.
Bên cạnh việc chờ đợi các đại diện tỷ USD của nền kinh tế gia nhập thị trường, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào nhóm VN30 cũng là vấn đề từng được đặt ra. Việc chỉ đặt ra hai tiêu chí lớn nhất là vốn hóa và tính thanh khoản khiến nhóm ngân hàng có ưu thế hơn khi xem xét, nhất là chỉ tiêu về quy mô vốn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) - doanh nghiệp tiên phong niêm yết cổ phiếu trên sàn từ những ngày đầu và có thời gian dài nằm trong danh mục VN30, cần có các tiêu chí khác để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế.
Ở một số rổ danh mục khác, cơ quan quản lý đã có thêm điều kiện để hạn chế ưu thế quá lớn của một cổ phiếu hay một ngành nghề tác động lên chỉ số. Điển hình như VN Diamond, một cổ phiếu riêng lẻ sẽ không được vượt quá giới hạn tỷ trọng vốn hóa 15%. Còn đối với cổ phiếu cùng ngành, giới hạn tỷ trọng vốn hóa là 40%. Điều này có thể phần nào hạn chế việc chỉ số phụ thuộc lớn vào một ngành nghề, cũng như mở ra cơ hội công bằng hơn để các ngành hàng trong rổ chỉ số uy tín của thị trường thêm tính đại diện cho nền kinh tế.