Lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm |
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn
ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, là nơi cung cấp hàng hóa nông sản chủ yếu của cả nước. Với đặc điểm nằm ở vùng châu thổ sông Mê kông rộng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái đa dạng, tiềm năng phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL là rất lớn.
Tuy nhiên, có một thực tế là thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp của vùng còn khiêm tốn, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất ít.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính đến cuối tháng 5/2017, số vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL là 213,9 triệu USD với 44 dự án. Cũng theo VCCI Cần Thơ, đến cuối năm 2016, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ chiếm 1,06% về số lượng và 4,3% về vốn trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập tại vùng này.
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL còn khiêm tốn. Đó là, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong vùng còn hạn chế, hạ tầng giao thông nông thôn lại càng kém hơn, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL khá lớn, nhưng lại manh mún, phân tán, được giao cho từng nông hộ sử dụng canh tác nhỏ lẻ, trong khi nhà đầu tư cần diện tích đất quy mô lớn, sản xuất tập trung để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, do phụ thuộc vào thời tiết, chi phí đầu vào, giá cả đầu ra không ổn định... Trong khi đó, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đột phá.
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ chỉ ra thêm một nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL ít và yếu còn do các ngân hàng “ngại” cho vay ở lĩnh vực này, bởi sản xuất nông nghiệp rủi ro nhiều, thu hồi nợ khó, tài sản thế chấp chủ yếu là đất đai, diện tích tuy lớn nhưng giá trị thấp...
Rộng mở cơ hội đầu tư
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 32,1 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui, cho thấy thị trường đang rộng mở và nhu cầu tiêu dùng nông sản toàn cầu đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, dù đạt được kết quả khả quan, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chưa tương xứng với lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp nước ta hiện nay chủ yếu vẫn còn sản xuất thô sơ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. Các sản phẩm xuất khẩu đa phần là sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Nếu phát triển được nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng tốt thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ tăng gấp nhiều lần.
Các chuyên gia cho rằng, chính hạn chế nêu trên lại là cơ hội rộng mở cho đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, khi mà dư địa cho đầu tư phát triển lĩnh vực này còn rất lớn.
Gần đây, lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các địa phương trong vùng đã tiếp đón nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, dự án hợp tác công - tư (PPP) giữa Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Đồng Tháp đã được ký kết, trong đó KRC sẽ thúc đẩy các nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) từ Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ Đồng Tháp đầu tư hạ tầng, cung cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ sản xuất trên 28.000 ha đất lúa tại một số địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, KRC sẽ mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp tại Đồng Tháp.
Tại TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, chính quyền Thành phố đã tăng cường xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ cho biết, vào đầu tháng 10 tới, Cần Thơ sẽ tổ chức đoàn cán bộ đi xúc tiến đầu tư tại Kansai (Nhật Bản).
Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng quan tâm đến đầu tư chế biến sâu, tinh chế hàng nông, thủy sản, như: Tập đoàn Lộc Trời đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, gắn với chế biến để tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu; Tập đoàn Sao Mai với dự án đầu tư nhà máy sản xuất dầu cá từ cá tra, ba sa; Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với nhà máy chế biến collagen từ da cá tra...
Tại An Giang, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, tỉnh đang kêu gọi đầu tư theo chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực và ngành hàng tỉnh có tiềm năng là: lúa gạo, rau màu, trái cây, thủy sản, chăn nuôi. Đặc biệt, đối với ngành hàng lúa gạo, tỉnh khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ và an toàn gắn với xây dựng “cánh đồng liên kết”, “cánh đồng lớn”.
Đến nay, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đều đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ban hành các cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp. Điều này đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.