Nhà máy của Ford tại Hải Dương. |
Rộng cửa đón vốn
Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam vừa khởi công xây dựng nhà máy thứ 6 tại Việt Nam. Được đặt tại Khu công nghiệp Hữu Thạnh (Long An), với vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD, đây sẽ là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất của Suntory PepsiCo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhà máy trên dự kiến được vận hành bằng năng lượng tái tạo, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính xuyên suốt hoạt động sản xuất. Đây cũng sẽ là nơi cho ra đời các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh. “Nhà máy sẽ giúp nâng tầm tiêu chuẩn về năng suất và phát triển bền vững, mở đường cho sự tăng trưởng trong dài hạn của Công ty”, ông Jahanzeb Khan, Tổng giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ.
Đây chính là dự án mà khi cùng Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn PepsiCo (Hoa Kỳ) đã đề cập với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành. Cùng với dự án này, còn có một dự án 90 triệu USD khác cũng sẽ sớm được xây dựng ở tỉnh Hà Nam.
PepsiCo là một trong những tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, từ năm 1994 và đến năm nay là tròn 30 năm. Sự xuất hiện của thương hiệu Suntory PepsiCo chỉ bắt đầu từ tháng 4/2013, sau khi công ty đồ uống lớn nhất của Nhật Bản là Suntory mua lại 51% cổ phần mảng đồ uống của PepsiCo Việt Nam; 49% còn lại vẫn do PepsiCo nắm giữ.
“Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng và sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Nhà máy thứ 6 này sẽ góp phần củng cố vị thế dẫn đầu của Suntory PepsiCo Việt Nam”, ông Takayuki Sanno, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Nước giải khát và Thực phẩm Suntory châu Á - Thái Bình Dương nói và cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Suntory.
Thực tế, không chỉ Suntory hay PepsiCo, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ, thời gian gần đây, luôn khẳng định sự tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Việc Đoàn doanh nghiệp USABC mới đây đến Việt Nam, mà theo ông Ted Osius, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC, là “đông nhất từ trước tới nay”, là một trong những minh chứng.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn được đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Chẳng hạn, Energy Capital đang muốn đầu tư xây dựng Dự án cảng Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), đồng thời đang trong quá trình xin phép đầu tư xây dựng Dự án LNG ở mũi Kê Gà (Bình Thuận). Trong khi đó, AES đang nỗ lực cùng với các đối tác chuẩn bị cho việc đầu tư chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ.
Cả Ford, Boeing, Viatris… đều có những chia sẻ về cam kết tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. “Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam thông qua các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan… Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tăng đầu tư vào Việt Nam”, lãnh đạo Quỹ đầu tư KKR nói.
Mới đây, khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái có chuyến công du tới Hoa Kỳ, lãnh đạo Tập đoàn Rosen Partner cũng đã chia sẻ rằng, Tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản và du lịch, trong đó có các tổ hợp giải trí đẳng cấp thế giới.
Và chắc chắn, còn là các khoản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI vào Việt Nam. Trong các cuộc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào năm ngoái, lãnh đạo nhiều tập đoàn của Hoa Kỳ đều nói rằng, họ sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 này.
Gỡ rào cản, vời thêm vốn đầu tư từ Hoa Kỳ
Dù các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, song vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn khá khiêm tốn. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2024, nhà đầu tư Hoa Kỳ chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,26 triệu USD, đứng vị trí thứ 19. Nếu tính lũy kế, con số là 11,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
“Xếp hạng này còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng. Tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ rất lớn, quan hệ hai bên cũng rất tốt đẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Nhấn mạnh chuyện năm ngoái Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và các thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “không có rào cản” đối với dòng đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, hay từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, cũng như đầu tư thông qua nước thứ ba.
Thực tế, chuyện doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư còn khiêm tốn ở Việt Nam được nhắc rất nhiều. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch và thống nhất của chính sách, chất lượng nguồn nhân lực… luôn được chỉ ra như là một trong những cản trở lớn nhất để Hoa Kỳ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Joseph Uddo, Chủ tịch AmCham Hà Nội nhắc đến cụm từ “tốt hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn” để nói về các vấn đề Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đón dòng vốn nước ngoài nói chung, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ nói riêng. “Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới, mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại”, ông Joseph Uddo nói.
Ông cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, khi mà một số luật và quy định mới vẫn đang tiếp tục được đưa ra, làm chậm trễ các thủ tục phê duyệt và tăng gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, AmCham bày tỏ những lo lắng đối với vấn đề năng lượng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đây không chỉ là điều riêng nhà đầu tư Hoa Kỳ lo lắng. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nhất là với các nhà đầu tư có các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Thiếu điện, nguồn cung điện không ổn định là một nỗi lo lớn.
“Các trung tâm dữ liệu, các nhà máy bán dẫn, điện tử rất cần có nguồn cung năng lượng ổn định. Muốn phát triển kinh tế số, điện toán đám mây, AI…, không thể không lưu ý đến vấn đề năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch”, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành USABC đã nói như vậy.
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm gần đây về thúc đẩy đầu tư từ Hoa Kỳ, ông Vũ Tú Thành cũng cho rằng, Việt Nam cần lưu ý mối liên kết với các nước ASEAN, bởi các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đầu tư vào khu vực sẽ không nhìn bất cứ quốc gia nào như một thị trường đơn lẻ. “Họ coi ASEAN là một thị trường lớn. Do đó, Việt Nam muốn thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ thì phải liên kết với các nước ASEAN”, ông Vũ Tú Thành nói.
Đây rõ ràng là điều đáng quan tâm và có thể cũng là cách để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa dòng đầu tư từ Hoa Kỳ.