Doanh nghiệp
Room cho nhà đầu tư ngoại vào thị trường hàng không: Tranh cãi giữa 49% hay 34%
Anh Minh - 25/08/2018 08:36
Tỷ lệ nắm giữ vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam là 49% hay 34% đang gây tranh cãi.
TIN LIÊN QUAN

Chọn 49%...  

Sự khác biệt về quan điểm liên quan tỷ lệ tham gia góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rất rõ giữa 3 hãng hàng không đang nắm giữ tới 98% thị trường là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific và Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet).

.

Cụ thể, trong văn bản góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) lấy ý kiến các bộ, ngành (dự thảo Nghị định), Vietjet đề nghị nâng mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam từ 30% lên 49%.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet cho rằng, việc tăng mức trần lên 49% không chỉ góp phần thúc đẩy, tăng cường tính lành mạnh của doanh nghiệp vận tải hàng không trên cơ sở áp dụng các mô hình quản lý tiến bộ, hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn thể hiện chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam khi cho phép dòng vốn ngoại đổ mạnh hơn vào thị trường hàng không - lĩnh vực đòi hỏi có sự đầu tư cao cả về vốn và năng lực điều hành.

Đại diện Vietjet cho biết, hiện một số nước trong khối ASEAN đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không, trong đó trần nắm giữ vốn điều lệ tối đa ở Thái Lan và Indonesia là 49%, Philippines là 40%.

“Nếu Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ thấp hơn so với các nước trong khu vực sẽ làm mất tính cân bằng giữa điều kiện gia nhập thị trường, mở cửa môi trường đầu tư. Hệ quả là không khuyến khích được dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không”, ông Khánh cho biết.

Bên cạnh đó, việc hạn chế quyền sở hữu vốn hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hàng không đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có khả năng khiến các nhà đầu tư này phải tìm các phương án sở hữu vốn gián tiếp thông qua các phương thức giao dịch khác. Điều này gây khó khăn cho việc giám sát, quản lý nguồn vốn đầu tư thực sự của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, tại khoản 3, Điều 8, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài, thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

… hay 30 hoặc 34%

Trái với Vietjet, 2 hãng hàng không đang có cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài là Vietnam Airlines (ANA Holdings - Nhật Bản) và Jetstar Pacific (Qantas - Australia) lại muốn giữ nguyên trần vốn góp được ấn định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho rằng, trong trường hợp mở cho nhà đầu tư nước ngoài được quyền nắm giữ trên 35% vốn điều lệ, đồng nghĩa trao quyền phủ quyết đối với các nghị quyết quan trọng của Đại hội cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động quản lý điều hành của hãng hàng không Việt Nam.

Vietnam Airlines cho rằng, việc nới room trong thời điểm này còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không nội địa, khi các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ 49% vốn điều lệ, dẫn đến việc thành lập các hãng hàng không khống (trên giấy) chỉ để bán cổ phần thu lợi.

Trong tờ trình Dự thảo Nghị định gửi Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ GTVT đã chọn giải pháp dung hòa khi chỉ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không từ 30% lên 34%.

Đại diện Jetstar Pacific còn nêu quan điểm, cần có thêm quy định sau 2 năm kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đơn vị sở hữu giấy phép mới được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài để tránh nguy cơ đầu cơ giấy phép và bán “lúa non” cho nhà đầu tư nước ngoài ngay cả khi chưa tiến hành cất cánh khai thác thương mại.

Được biết, khi lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không về dự thảo Nghị định hồi đầu tháng 7/2018, tại khoản 3, Điều 8 (điều kiện về vốn),  Bộ GTVT từng đề xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất, thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Tuy nhiên, trong tờ trình Dự thảo Nghị định vừa được gửi tới Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ GTVT đã chọn giải pháp dung hòa khi chỉ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không từ 30% được quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP lên 34%.

Lý giải về sự lựa chọn này, cơ quan soạn thảo cho rằng, tỷ lệ nắm giữ ở mức 34% là đủ để các hãng hàng không thu hút đầu tư, nhưng vẫn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đảm bảo được nguyên tắc “cá nhân/pháp nhân Việt Nam chiếm cổ phần lớn và kiểm soát hữu hiệu hoạt động của doanh nghiệp”.

“Nhu cầu vận tải hàng không đi/đến một quốc gia, đặc biệt là vận chuyển nội địa được xem là nguồn tài nguyên. Chính vì vậy, việc hạn chế tỷ lệ vốn của nước ngoài trong hãng hàng không Việt Nam phải thể chế hóa quan điểm về chính sách đầu tư vào thị trường vận tải hàng không, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào các hãng hàng không”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác