Các yêu cầu đòi nhà hoặc tiền lãi của nhà đầu tư tại Dự án B5 Cầu Diễn đều bị bác bỏ |
Bài học từ việc góp vốn đầu tư khi dự án chưa hoàn thiện điều kiện pháp lý, dẫn đến khả năng các nhà đầu tư bị “mất trắng” khoản đầu tư như tại Dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội) chưa hết “nóng”, thì mới đây, một vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra tại Dự án Khu quy hoạch mở rộng Nam Sài Gòn.
Thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn đã “dậy sóng” từ đầu năm 2017 với thông tin hàng loạt dự án hạ tầng, công trình trọng điểm sẽ được khởi động và hoàn thành trong thời gian sớm. Nhận thấy cơ hội, nhiều nhà đầu tư phía Bắc quyết định Nam tiến để “đón lõng” dự án. Thực tế cho thấy, thông tin quy hoạch khu vực này đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Vụ việc xảy ra từ năm 2010. Khi đó, hai nhà đầu tư từ Hà Nội là ông Đỗ Hồng K. và bà Diệp Thị Thùy D. vào TP.HCM ký hợp đồng góp vốn đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư M. (quận Gò Vấp, TP.HCM). Theo thỏa thuận, hai bên góp vốn cùng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Dự án Khu quy hoạch mở rộng Nam Sài Gòn. Giá trị vốn góp của 2 nhà đầu tư là 340 triệu đồng, thời gian góp vốn từ 24-60 tháng. Nhà đầu tư sẽ nhận được quyền lợi góp vốn là 100 m2 đất trong dự án.
Theo đó, ông K. và bà D. đều thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản Công ty M. Ngoài ra, để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, năm 2011, họ còn tiếp tục chuyển thêm 170 triệu đồng cho công ty này.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía Công ty M không giao đất như cam kết. Khi tìm hiểu, nhà đầu tư phát hiện công ty không thực hiện dự án ở khu nam Sài Gòn. Nhiều lần đòi lại tiền nhưng Công ty M vẫn khất lần, nên nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp (TP.HCM).
Giám đốc Công ty M trình bày, việc góp vốn là có thật, nhưng về Dự án Khu quy hoạch mở rộng Nam Sài Gòn chỉ nghe “phong phanh” là sẽ có dự án được triển khai. Dù chưa nắm rõ thông tin dự án, song Công ty M vẫn kêu gọi nhà đầu tư tham gia để đón đầu dự án. Đại diện công ty này cho biết, đã nhận chuyển nhượng một số khu đất, nhưng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Do đó, dự án không được triển khai và Công ty bị thiệt hại.
Trong quá trình xét xử, các đương sự đều thừa nhận, từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến khi khởi kiện thì dự án trên vẫn… nằm trên giấy. Chính quyền địa phương cũng xác nhận trên địa bàn không tồn tại dự án nào mang tên Khu quy hoạch mở rộng Nam Sài Gòn. Do đối tượng các bên hướng đến trong việc hợp tác đầu tư không thể thực hiện, nên tòa án tuyên bố hợp đồng góp vốn đầu tư vô hiệu.
Tòa án cũng nhận định, với tư cách là nhà đầu tư, phía nguyên đơn phải có trách nhiệm với các quyết định của mình, phải tự kiểm tra tính pháp lý của dự án tham gia đầu tư. Nhà đầu tư không thể quy hết trách nhiệm cho chủ đầu tư. Bản chất của hợp đồng hợp tác đầu tư là các bên cùng được hưởng lợi, hoặc cùng phải chia sẻ rủi ro phát sinh.
Bên cạnh đó, hợp đồng còn thể hiện sự tùy tiện, dễ dãi của nguyên đơn khi không ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, phía chủ đầu tư lợi dụng sự tin tưởng của nhà đầu tư để đưa ra các điều khoản mang tính có lợi cho mình là thiếu thiện chí trong việc hợp tác đầu tư.
Tòa án xác định, hợp đồng vô hiệu đều có lỗi của các bên, nên các bên phải tự gánh chịu thiệt hại. Theo đó, tòa bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của nhà đầu tư.
Trên thực tế, việc nhà đầu tư gánh chịu rủi ro từ hợp đồng góp vốn là không hiếm. Ví dụ mới đây nhất là tại Dự án B5 Cầu Diễn, sau khi vụ việc vỡ lở và chủ đầu tư bị bắt giam, hơn 700 khách hàng góp vốn vào dự án đã yêu cầu đòi nhà, hoặc nhận tiền lãi suất ghi trong hợp đồng. Song, cả hai yêu cầu này đều không được chấp nhận. Bởi lẽ, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn khi dự án chưa được cấp phép đều là những giao dịch trái pháp luật.