Tài chính - Chứng khoán
Sắc đỏ bao trùm, cổ phiếu VIC dậy sóng vẫn không đủ “gánh” thị trường
T.T - 13/04/2021 16:31
Nếu không có VIC, VN-Index có thể đã giảm hơn 10 điểm. Tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường, riêng sàn HoSE đã hấp thụ hơn 1 tỷ USD, thậm chí còn sẽ nhiều hơn nếu không “nghẽn” lệnh.

Kỳ vọng IPO Vinfast trên sàn chứng khoán Mỹ kéo cổ phiếu VIC chạm trần

Thông tin từ hãng tin Bloomberg về kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cổ phần Vinfast hiện tại Mỹ trong quý II nhằm huy động khoảng 2 tỷ USD đã tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư.

Phần lớn thời gian trong phiên, cổ phiếu VIC giao dịch ở mức kịch trần biên độ  (141.200 đồng/cổ phiếu). Dù điều chỉnh giảm nhẹ, VIC đóng cửa tại giá 140.700 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường 475.908 tỷ đồng (20,57 tỷ USD). Chỉ trong một tháng qua, cổ phiếu này đã tăng 32,7% và là nhân tố đóng góp tích cực nhất vào xu hướng tăng của VN-Index thời gian qua. Vị trí số 1 về vốn hóa thị trường của Vingroup ngày càng được giữ vững khi khoảng cách với Vietcombank hiện đã nới lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.

Thông tin tích cực từ kế hoạch IPO Vinfast kéo dài chuỗi tăng giá của cổ phiếu VIC

Hiện phía Vingroup từ chối bình luận về thông tin liên quan đến đợt IPO của Vinfast. Nhưng theo những nguồn tin của Bloomberg, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Việt Nam đang làm việc với các tổ chức tư vấn. Theo đó, mức định giá cho VinFast trong đợt IPO này thấp nhất khoảng 50 tỷ USD.

VIC còn là cổ phiếu hút mạnh nhất dòng tiền khối ngoại với giá trị giao dịch hơn 283 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 100 tỷ đồng trên HoSE phiên hôm nay cũng nhờ sự đóng góp đáng kể của cổ phiếu này.

Tuy giá cổ phiếu VIC tăng tích cực vẫn chưa đủ đề kéo lại sắc xanh của thị trường. VN-Index rơi sâu vào cuối phiên sáng, dù phục hồi tích cực trong phiên chiều vẫn đóng cửa giảm 4,12 điểm (-0,33%) xuống 1.248 điểm. HNX-Index giảm 3,35 điểm (-1,13%) xuống 292,19 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm 1,16%.

Các chỉ số rơi sâu do sự điều chỉnh trên diện rộng. BID là cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhất kéo chỉ số chung giảm 1,15 điểm. Còn trên sàn HNX, IDC và VCS là hai cổ phiếu kéo thị trường giảm nhiều nhất khi  lần lượt giảm 4,3% và 3,3%. Số lượng cổ phiếu giảm giá (gần 600 mã chứng khoán) áp đảo lượng cổ phiếu tăng giá (295 mã chứng khoán).

Sắc đỏ phủ rộng khi số lượng cổ phiếu điều chỉnh giảm áp đảo

Tiền vẫn đổ mạnh vào kênh chứng khoán

Một nguồn tin từ Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết HoSE đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh trong thời gian gần đây.

Tín hiệu tích cực là giá trị giao dịch khớp lệnh tới hạn của sàn HoSE đã không còn dừng quanh khonarg 14.000 tỷ đông như thời gian trước. Trong phiên giao dịch gần đây, giá trị khớp lệnh đều tiến sát mức 20.000 tỷ đồng trước khi hệ thống có hiện tượng đơ nghẽn.

Tình trạng quá tải chỉ xuất hiện lúc 14h20p phiên hôm qua, nhưng lại đến sớm từ lúc 13h36p trong phiên hôm nay. Tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường và có thể nhiều hơn nếu HoSE không gặp giới hạn về năng lực xử lý lệnh.

Giá trị giao dịch sàn HoSE phiên 13/4 đạt 23.470 tỷ đồng, tương đương 1,01 tỷ USD, trong đó riêng giá trị khớp lệnh là 20.423 tỷ đồng. Thanh khoản trên sàn HNX và UPCoM đều ở mức cao, lần lượt là 3.911 tỷ đồng và 1.556 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường xấp xỉ 28.940 tỷ đồng.  

Tin liên quan
Tin khác